Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ tư, 08 Tháng 1 2020 15:06

2019 vừa qua được xem là năm sôi động của mỹ thuật Việt, có nhiều triển lãm để lại ấn tượng mạnh mẽ, ảnh hưởng đối với người xem.

 

Vì thế, trong 8 sự kiện tiêu biểu năm 2019 của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đưa ra, có một nửa thuộc về hoạt động mỹ thuật.

 

Trước khi 2019 khép lại, Cục Mỹ thuật đã công bố 8 sự kiện tiêu biểu và 1 sự kiện hạn chế của ngành này trong năm qua. Đáng chú ý, Hội đồng bình chọn gồm 12 đại diện đến từ nhiều cơ quan ban ngành, đã chọn 4 sự kiện mỹ thuật tiêu biểu của năm 2019, đó là: Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc lần thứ 4; Sự kiện Art in the forest 2019 - không gian nghệ thuật trong rừng mùa thứ 5; Triển lãm tranh màu nước quốc tế; Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong hàng trăm, hàng ngàn sự kiện về mỹ thuật năm qua, để chọn ra sự kiện tiêu biểu cho ngành mỹ thuật là rất khó. Tuy nhiên, 4 sự kiện được nêu tên kể trên thì hầu hết đều đồng tình, cảm thấy xác đáng bởi tầm ảnh hưởng cũng như dấu ấn với công chúng.

 

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 4-2019 hút người xem.

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 4-2019 hút người xem.

 

Có thể nói, Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội tháng 11/2019 là sự kiện đặc biệt. Bởi triển lãm này quy tụ số lượng lớn tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ của các quốc gia châu Á, qua đó tạo cơ hội để người yêu tranh trong nước tiếp cận với các phong cách nghệ thuật đa dạng và độc đáo, các tác phẩm đặc sắc của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Lần đầu tiên công chúng có dịp được chiêm ngưỡng hơn 80 tác phẩm của 27 tác giả đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh sự giao thoa văn hóa, đặc trưng bản địa cùng chất lượng, uy tín nghệ thuật được thể hiện một cách rõ nét thông qua các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ thành danh trong khu vực. Trong đó có những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ sĩ U Lun Gywe (Myanmar), Awang Damit Ahmad (Malaysia), Fil Delacruz (Philippines), Ragini Upadhyay Grela (Nepal), Dr. Kamol Tassananchalee (Thái Lan), Edi Sunaryo (Indonesia), Reddy (Ấn Độ), Leo Hee Tong (Singapore), Trần Lưu Hậu, Tạ Quang Bạo, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Trần Văn An...

 

Tạo được sức hút với công chúng là Triển lãm tranh màu nước quốc tế lần thứ 3-2019 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một triển lãm nhằm giúp công chúng yêu tranh màu nước Việt Nam có cái nhìn tổng quan về sự phong phú đa dạng trong phong cách nghệ thuật của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Triển lãm đồng thời cũng tạo ra một sân chơi thú vị dành cho các họa sĩ chuyên và không chuyên về màu nước Việt Nam được thể hiện niềm cảm hứng nghệ thuật qua chất liệu màu nước đặc trưng và mở ra cơ hội cho các họa sĩ kết nối, tiếp cận và tham gia các triển lãm màu nước quốc tế. Với hơn 300 bức tranh màu nước của các họa sĩ đến từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, triển lãm thực sự là ngày hội của những nghệ sĩ, khán giả yêu tranh màu nước vốn là một thể loại độc đáo của ngành hội họa.

 

Cũng cần phải kể đến Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 4 (2014 - 2019) với 280 tác phẩm, bộ tác phẩm của 189 tác giả đã làm công chúng không khỏi thất vọng bởi sự phong phú về chất liệu, thể loại, kỹ thuật thể hiện tinh xảo... Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật đánh giá, triển lãm tập hợp khá đầy đủ thành quả sáng tạo của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng trong giai đoạn phát triển 5 năm vừa qua và đây là thành quả, tâm huyết của các họa sĩ, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Quan trọng hơn, triển lãm giúp những người yêu thích, quan tâm đến mỹ thuật ứng dụng được chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường. Đối với người trong nghề, họ sẽ có những định hướng cho các tác giả sáng tác, thiết kế các sản phẩm vừa mang tính ứng dụng vừa có giá trị thẩm mỹ cao; góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công - nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

 

Trong khi đó, sự kiện Không gian nghệ thuật - Art In The Forest 2019 quy tụ nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc tên tuổi trong nước cũng như thế giới. Art In The Forest 2019 giới thiệu hơn 100 tác phẩm sơn mài và điêu khắc khổng lồ, đã tạo nên bức tranh mùa thu độc đáo trong không gian xanh của rừng thông Đại Lải, điểm xuyết cho thiên nhiên những nét chấm phá tuyệt vời về màu sắc và hình khối của nghệ thuật hội họa và điêu khắc ngoài trời. Mỗi tác phẩm là một ý tưởng, một phong cách khác nhau, nhưng đều là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và ẩn chứa trong đó những câu chuyện riêng. Qua sự kiện này, công chúng nhận thấy mỗi nghệ sĩ đã thể hiện những ý tưởng độc đáo, mang đậm tính triết lý về con người và thiên nhiên với phong cách đa dạng, được tạo nên bằng tài năng, sự tìm tòi và sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Sự kiện mỹ thuật hạn chế nhất năm 2019 của Cục Mỹ thuật, đó là bảo vật quốc gia - tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hại do bị bảo quản sai cách (sử dụng bột chu và giấy nhám để làm sạch cũng như đánh bóng mặt tranh). Sự việc này khiến dư luận rất bức xúc, gióng lên hồi chuông báo động đối với công tác lưu trữ các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt đối với các tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi