Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 10:32

Chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 01/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ giới thiệu các lễ hội truyền thống và chợ vùng cao với chủ đề "Sắc màu Lai Châu".

1904trang phuc dan toc

Cụ thể, từ ngày 27/4 - 01/5/2019, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc; tạo ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian… Tái hiện không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La, La Ha, Thái, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú.

Giới thiệu các trò diễn trong lễ hội của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La: Giới thiệu trò diễn trò giả làm con khỉ, diễn cảnh cày bừa, múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, chơi ném còn và đặc biệt là điệu múa Sừng lừng quanh cây nêu thường được thực hiện tại các lễ hội của dân tộc La Ha, có sự giao lưu, tương tác với đồng bào các dân tộc và khách du lịch.

Biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Tái hiện Lễ Pang A (Lễ cầu an) của dân tộc La Ha - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Khi cây măng đắng trong rừng bắt đầu nhú, cây ban chúm chím khoe sắc trên sườn non, bà con La Ha bắt đầu tổ chức lễ Pang A để cầu cho mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ tri ân thần linh, các thầy lang đã có công bảo vệ dân bản. Phần lễ tôn nghiêm giàu bản sắc, phần hội sôi nổi, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của người dân được phù hộ mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, bản làng ít xảy ra dịch họa, dòng họ phát triển, hạnh phúc. Lễ Pang A được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Tái hiện Tết mừng lúa mới của dân tộc Si La: Theo quan niệm của đồng bào Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự chở che của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất. Đồng bào Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng mà tất cả dòng họ trong bản đều được tổ chức. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong dòng họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng họ.

Tái hiện Lễ hội mùa mưa dân tộc Hà Nhì: Tết mùa mưa là một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì. Tết mùa mưa thường được diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện tín ngưỡng đặc trưng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì cho rằng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa thì cần phải tổ chức nghi lễ cúng cầu mưa.

Ngoài ra, giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng cây đu (Gié Khừ Già) của dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai ChâuĐể chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng hai cây đu là đu lăng, đu quay và 2 cái bập bênh quay. Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.

Sau khi tổ chức lễ cúng mùa mưa tại không gian nhà đồng bào Hà Nhì di chuyển xuống chợ vùng cao cúng cây đu và mở hội. Các điệu múa, tiếng trống và các trò chơi dân gian được mở ra để đồng bào các dân tộc và du khách cùng tham gia trải nghiệm.

Cùng đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Sân khấu lễ hội Làng III với các tiết mục như: Xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan tại Làng.

Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống, trong khuôn khổ 4 ngày sự kiện, Ban Tổ chức bố trí đầy đủ các không gian ẩm thực, đồ uống giải khát, sản vật và đồ lưu niệm phục vụ du khách như không gian ẩm thực ven hồ tại làng III, không gian ẩm thực, không gian sản vật, thủ công, giải khát tại làng III...

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi