Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Khi Tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc Tây Bắc Việt Nam lại có những phong tục rất độc đáo để đón Tết cổ truyền, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú trong bức tranh toàn cảnh Tết Việt Nam.
Tết của dân tộc Mường gửi gắm ước vọng bình yên và no ấm
Khi tiếng cồng chiêng ngân lên vang vọng giữa ngày xuân, cũng là lời gửi gắm ước vọng bình yên và no ấm của cộng đồng người Mường (Hòa Bình). Theo truyền thống, lễ hội đón Tết của người Mường sẽ có một màn hát múa ca ngợi về cây đa cổ nghìn tuổi trong làng. Tiếp đó, người dân sẽ xuống giếng cổ lấy nước về thắp hương trước khi đổ vào vại tích nước ăn. Người Mường tin rằng, thứ nước thiêng nơi giếng cổ sẽ đem lại may mắn, gia đình làm ăn tấn tới quanh năm.
Theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Những ngày này, nhà nào trong bản cũng bận rộn hơn so với ngày thường, trong đó có việc phải làm một cái bếp mới nhằm thay áo mới cho nhà sàn. Khi bếp mới được nổi lửa, cũng là lúc cả nhà quây quần sửa soạn cho những công việc chính của ngày Tết. Bếp mới sẽ dùng để nấu đồ ăn dịp Tết như luộc bánh chưng, nấu cỗ.
Ngoài ra, trong đêm 27 Tết có một công việc đòi hỏi sự nghiêm trang kính cẩn, đó là chuẩn bị bày biện bàn thờ gia tiên. Việc này phải đích thân chủ nhà làm. Bát hương bài vị, long ngai mâm bồng, đài hoa cây nêu được bày trên ban thờ dựng bằng cột phên cúng tổ tiên. Bàn thờ ngoài việc trang trí, còn phải có hoa đào và 2 cây mía cổ của người Mường.
Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy "Nhiang chằm Ðao"
Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Nhà nào nhà ấy đều trang hoàng và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.
Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là "Nhiang chằm Ðao" để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...
Dân tộc Hà Nhì đón Tết bằng bánh gù, bánh dày và bánh trôi
Việc đón Tết của dân tộc Hà Nhì (Điện Biên) vào ngày nào không được ấn định thành truyền thống như Tết của người Kinh mà do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa trên các yếu tố: thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung của mỗi gia đình... Sau khi thời điểm đã được xác định, theo phong tục, buổi chiều tất niên, mỗi gia đình cúng một con gà để tiễn biệt năm cũ. Người Hà Nhì không gói bánh chưng mà thay vào đó là bánh gù, loại bánh hình ống, dài hơn một gang tay; ngoài ra còn có bánh dày, bánh trôi.
Trong dịp Tết, những người cao tuổi lập thành từng nhóm để đi chúc Tết các gia đình trong bản và họ hàng. Tại bữa tiệc khoản đãi, người khách quý nhất sẽ được mời một mâm riêng, một bên bày 6 chén rượu (4 chén để "rửa" chân tay, 1 chén "rửa" mặt, còn 1 chén để uống), một bên đặt 1 giỏ cơm (trong giỏ có 1 khoanh thịt mỡ đã luộc chín, ở giữa nhét mấy quả ớt đỏ). Người khách được quyền lựa chọn một trong hai bên rồi đặt lên mâm tiền mừng tuổi và hát một bài cám ơn, cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.
Tết của dân tộc Phù Lá có nhiều món ăn đa dạng và độc đáo
Người Phù Lá ở Lào Cai ăn Tết chính trong 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3 tháng Giêng, nhưng các hoạt động vui xuân thường kéo dài đến hết ngày 15, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất cho một mùa vụ mới.
Để chuẩn bị đón Tết, từ tháng Chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, dự trữ rau, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng, bánh dày, người Phù Lá còn có nhiều món ăn ngày Tết đa dạng và độc đáo.
Vào ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn nhà và đặt lên bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Ngày mồng 1 Tết, tất cả mọi người đều diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà, người thân và hàng xóm. Trong tiếng khèn, điệu hát, lời ca rộn rã, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu trong khi thanh niên, trẻ nhỏ hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù…
Dân tộc Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên
Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, từ nhiều đời nay vốn định cư và sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Một mùa xuân nữa tràn về, những người Lô Lô cố hoàn thành những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống.
Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác trong nhà ra các ngã ba, ngã tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới.
Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.
Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ đi qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.
Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong bản có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết.
Những câu chuyện cổ tích được đồng bào Mông kể trong đêm 30 Tết
Sống ở vùng núi cao gần thiên nhiên, khi nhành hoa mận bắt đầu chớm nở cũng là lúc báo hiệu mùa xuân mới đang về. Người Mông ở các xã Cán Chu Phìn, Lũng Cú và Khâu Vai, huyện mèo Vạc (Hà Giang) vẫn giữ lại phong tục đón Tết vào tháng Chạp âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm gia đình sum họp sau những tháng ngày bươn chải lao động vất vả trên vùng Cao nguyên Đá. Dịp Tết là thời gian nghỉ ngơi dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên. Thời gian chuẩn bị đón Tết của đồng bào Mông diễn ra trong 1 tháng và Tết sẽ nghỉ hết tháng Giêng.
Trong ngày 30 Tết, người Mông có tục dán giấy bạc đã chạm trổ đục thành hình tiền, được dán vào tường và các công cụ sản xuất như sự biết ơn các công cụ đã giúp con người làm ra hạt lúa, ngô, khoai trong năm qua và hy vọng năm mới mùa màng sẽ bội thu. Trưa ngày 30 Tết, đồng bào Mông mang cuốc, xẻng và các dụng cụ sản xuất vào nhà đặt dưới bàn thờ với ý nghĩa mọi đồ vật cũng được ăn Tết như con người. Họ đặt chiếc ghế dọc cửa chính, bên trên để rổ bột ngô trong đó có những quả trứng, thành phần trong gia đình có bao nhiêu người sẽ tương ứng với bấy nhiêu quả trứng. Có 2 đứa trẻ đứng 2 bên, tay cầm con gà trống. Sau khi cúng xong thì cắt tiết gà. Lông của con gà đó sẽ được gắn lên bàn thờ thay cho những chiếc lông gà của năm cũ, với ý nghĩa báo cáo với tổ tiên năm mới đã đến, mời tổ tiên về ăn Tết. Đêm 30 Tết cả nhà cùng nhau thức và lắng nghe những người cao tuổi kể những câu chuyện liên quan đến cuộc sống như chuyện cổ tích, chuyện gia đình như một cách giáo dục con cháu.
Xuân đang hiện hữu trên từng cành cây, ngọn cỏ, trên những ngôi nhà đồng bào Mông, mùi thơm nồng của rượu men lá, vị ngọt mát của bát cháo, bát chè và những câu hát Soong Cô mượt mà đan xen, hòa quyện, tạo nên một bản hòa tấu đẹp đẽ, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa độc đáo của Tết Việt Nam.
Tin mới
- Công bố 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 14/02/2019 02:28
- Loạt lễ hội 3 miền không thể bỏ lỡ dịp tháng Giêng - 11/02/2019 03:02
- Náo nức hội Xuân - 11/02/2019 02:55
- Bóng đá Việt Nam và sự trưởng thành của một thế hệ vàng - 11/02/2019 02:43
- Những lễ hội nổi bật, đáng chú ý nhất đầu Xuân Kỷ Hợi - 06/02/2019 03:47
Các tin khác
- Hoàng cung Huế dựng nêu báo hiệu Tết đến - 29/01/2019 04:06
- Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 24/01/2019 03:04
- Phát hiện thêm di tích, di vật mới tại Thành nhà Hồ - 24/01/2019 03:03
- Đánh gục Jordan, “Chiến binh đỏ” Việt Nam hiên ngang vào Tứ kết Asian 2019 - 21/01/2019 03:13
- Thủ tướng biểu dương Đội tuyển Việt Nam thi đấu tự tin, quả cảm - 21/01/2019 03:05