Thứ hai, 27 Tháng 7 2015 03:53

Sản phẩm cá ngừ có thể đã bị nhiễm khuẩn trước khi chế biến món sushi, dẫn đến 2 trường hợp tử vong do vi khuẩn Salmonella.


Theo thông cáo báo chí từ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), sản phẩm Sushi AFC đang bị thu hồi sau khi được bán ra tại các siêu thị và phân phối tới một số trại hè gây ra 2 ca tử vong do vi khuẩn Salmonella.

 

susi

 

Ảnh minh họa

 

Nguyên nhân được nhận định ban đầu là do công ty Osamu Corporation, một nhà phân phối hải sản, đã bán cá ngừ cho công ty AFC và loại cá này có khả năng bị nhiễm khuẩn Salmonella. Cá ngừ trước đó được chế biến từ một nhà máy cụ thể ở Indonesia.

 

Hai trường hợp tử vong xảy ra ở Minnesota nhưng FDA đã đưa ra cảnh áo trên toàn quốc. Thông báo đặc biệt đề cập đến sản phẩm được bán ra trong khoảng ngày 20-26 tháng 5. FDA cũng khuyên khách hàng không nên ăn sản phẩm trong trường hợp không chắc chắn hoặc an toàn hơn nữa, có thể trả lại điểm bán hàng để nhận được khoản hoàn tiền đầy đủ.

 

Sushi là món ăn truyền thống của Nhật Bản nhưng cũng được sử dụng trên toàn thế giới. Do việc sử dụng cá sống làm nguyên liệu nên trong sản phẩm có thể tồn tại một số vi khuẩn gây bệnh như Salmonella. Bệnh nhiễm vi khuẩn Salmonella là một bệnh viêm do một nhóm vi khuẩn gọi là Salmonella gây ra. Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể bao gồm máu, xương, và khớp xương.

 

Những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella bao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, và bất cứ ai có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bị bệnh hoặc do thuốc. Các triệu chứng của việc nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm tiêu chảy, sốt và đau bụng, có thể phát bệnh sau 12-72 giờ từ lúc nhiễm. Với các trường hợp đã ăn phải sản phẩm trong diện thu hồi và gặp phải các triệu chứng trên thì nên tới gặp bác sĩ.


Theo Người tiêu dùng