Thứ sáu, 26 Tháng 6 2015 05:36

Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) vừa đưa ra khuyến cáo nên tránh sử dụng các sản phẩm tươi sống chế biến từ lợn bởi ngoài tiết canh thì những món ăn như nem chua, nem chạo cũng là con đường nhiễm bệnh liên cầu lợn.

 

60% lợn lành mang mầm bệnh

 

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã ghi nhận số ca mắc bệnh liên cầu lợn tăng đột biến. Các trường hợp này chỉ nhập viện trong tình trạng khẩn cấp, liên màng não mủ, sốc nhiễm trùng, hôn mê và sau khi xét nghiệm đều xác nhận dương tính với bệnh liên cầu lợn. Bệnh nhân nếu không nhập viện kịp thời dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết thì hay bị nổi ban hoại tử toàn thân, tập trung nhiều ở mặt, ngực, chân – tay, tụt huyết áp và hôn mê, rất dễ dẫn đến tử vong.

 

Bệnh liên cầu thường là hệ lụy kéo theo của dịch lợn tai xanh. Nền nhiệt độ cao, chênh lệch lớn giữa ngày và đêm như mùa hè là điều kiện lý tưởng để khuẩn liên cầu phát triển trên vật chủ. Ngay cả khi chưa mắc tai xanh hay liên cầu, 60% lợn lành vẫn mang trong mình mầm bệnh.

 

Tiết canh, nem chua, chạo đều có nguy cơ


Khi con người tiếp xúc với mầm bệnh này thông qua các con đường khác nhau, từ chế biến thịt lợn tươi sống, ăn tiết canh và các sản phẩm chưa chín có nguy cơ rất lớn mắc bệnh liên cầu lợn. Trường hợp bệnh nhân nam (36 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), làm nghề bán thịt lợn, hay ăn tiết canh đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là một ví dụ.

 

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có nhiều nhất ở các nơi như khoang mũi, đường sinh dục, tiêu hóa và phân của lợn, có thể sống 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C; 24 giờ ở 25 độ C và 8 ngày trong phân. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh liên cầu lợn. Do vậy, người tiêu dùng cần phòng tránh cho mình bằng việc chỉ nên sử dụng các sản phẩm từ lợn đã chín.

 

nem chao gay lien cau lon

 

Cục y tế dự phòng khuyến cáo nên thận trọng với thực phẩm từ thịt lợn sống


Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng trước hết cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...). Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

 

Hậu quả khôn lường

 

Người có triệu chứng như sốt cao đột ngột, hôn mê sâu, xuất hiện các nốt mẩn trên người, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ hay buôn bán lợn, người từng sử dụng các sản phẩm chưa chín từ lợn cần đi đến các địa chỉ y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn có thể hứng chịu những biến chứng khôn lường, hoại tử phải cắt bỏ các bộ phận cơ thể, trường hợp nặng là vô phương cứu chữa. Mặt khác, quá trình điều trị bệnh liên cầu lợn cũng vô cùng tốn kém. Để điều trị khuẩn huyết viêm màng não do khuẩn liên cầu, bệnh nhân có thể phải chi trả khoảng 400 triệu đồng. Tỷ lệ điều trị thành công liên cầu lợn cũng chỉ ở mức 30 - 50%, tức chưa đến một nửa sự sống.

 

Chưa hết, khuẩn liên cầu không chỉ phát triển trên vật chủ là lợn mà ngay cả các vật nuôi khác, ví dụ như vịt cũng có thể. Do vậy, ngoài các món tiết canh lợn, nem chua, nem chạo, thực phẩm sống, tái từ lợn thì người tiêu dùng cũng cần đề phòng với các món ăn chưa nấu chín từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt.

 

Theo Chất lượng Việt Nam