Để triển khai hiệu quả việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm. Việc này cũng nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở.
Ngày càng nhiều các nông sản, đặc sản của các vùng miền được đưa đến tận tay người tiêu dùng thủ đô
Ngày càng nhiều mô hình tạo hiệu ứng tốt
Tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội các mô hình như:"Cảnh báo nhanh về ATTP"; Mô hình "ATTP tuyến phố văn minh"; Mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học; Mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống tại 13 phường quận Bắc Từ Liêm; Mô hình đảm bảo ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại tuyến phố văn minh đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn…. đã phát huy hiệu quả rất tốt.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, để thực hiện tốt các mô hình thi đua, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành. Năm 2022, quận đã kiểm tra 2.991 cơ sở. Qua đó, quận đã xử phạt 153 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 678,8 triệu đồng; xử lý, tiêu hủy 21,5 kg thịt lợn kém phẩm chất, 9.524 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, 1.420 kg thực phẩm đông lạnh gồm ức vịt, cánh gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, 8.350 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc (trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là hơn 245 triệu đồng)... Nhờ đó, trên địa bàn quận không có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Còn tại quận Thanh Xuân, việc duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận từ năm 2019 đã được diễn ra. Lãnh đạo quận cũng triển khai mô hình tăng cường kiểm ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn TP năm 2022-2023 được lựa chọn. Trong năm học 2022-2023, có 211/211 bếp ăn tập thể cơ sở giáo dục trên địa bàn đã được kiểm tra.
Với mô hình nâng cấp và duy trì tuyến phố kiểm soát ATTP tại phường Thượng Đình, hiện nay, quận Thanh Xuân thực hiện duy trì mô hình này với 29/29 cơ sở thực hiện 10 tiêu chí đảm bảo ATTP của Bộ Y tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, quận Thanh Xuân đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 4 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, thời gian qua, quận đã tuyên truyên, vận động các cơ sở kinh doanh, thương mại trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP. Hiện quận đang có 14 sản phẩm OCOP/3 cơ sở, 3 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại phường Đông Xuân, Hàng Mã. Quận tiếp tục vận động 1 cơ sở/18 sản phẩm tham gia Chương trinh OCOP trong năm 2023.
Đồng thời, quận cũng duy trì 16 tuyến phố không bán trái cây trên vỉa hè với 52/52 cơ sở được cấp biển nhận diện "logo" cửa hàng kinh doanh trái cây. Quận cũng đang tiếp tục vận động 8 cơ sở mới phát sinh tham gia đề án. Mặt khác, quận cũng duy trì và mở rộng tuyến phố ATTP có kiểm soát, văn minh thương mại tại 3 tuyến phố: Tống Duy Tân - ngõ Hàng Bông, Âu Triệu - Lý Quốc Sư, ngõ chợ Đồng Xuân.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các mô hình đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP. Thông qua các mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên…
Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra thì Hà Nội cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nhà hàng, ăn uống, siêu thị… Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP, phát triển các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý chợ, siêu thị; các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP đã được phê duyệt, sau đó nhân rộng ra.
Các mô hình sản xuất đảm bảo ATTP của các địa phương sẽ được ưu tiên giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng
Thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước
Theo Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả giám sát ATTP 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, các cơ quan thực hiện giám sát (trung ương, địa phương) tổ chức lấy 8.164 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch để giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 2,24% (cùng kỳ năm 2022 là 3,6%; năm 2021 là 5,37%). Đối với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, các cơ quan đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.
Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu trình Thủ tướng phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050.
Gắn kết chặt chẽ các hoạt động cơ cấu lại sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản với công tác nắm bắt thông tin, dự báo nhu cầu, phổ biến quy định thị trường; lồng ghép, phối hợp với các hoạt động Chương trình nông thôn mới, OCOP, nông nghiệp hữu cơ, khuyến nông; đẩy mạnh hiệu quả phối hợp, giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia; Triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; Đảm bảo thẩm định chứng nhận đầy đủ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; Chủ động kịp thời xử lý sự cố an toàn thực phẩm; Tổ chức điều tra, đánh giá định kỳ về trình độ công nghệ và năng lực chế biến để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chính xác; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối thị trường, phổ biến, cập nhật thông tin thị trường để chia sẻ quy định thị trường…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Sản xuất, chất lượng an toàn thực phẩm, chế biến và thị trường, bốn khâu này phải gắn vào nhau. Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Bộ NN&PTNT bốn vấn đề này. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất chế biến cung ứng sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, cần quan tâm, chỉ đạo sát sao để việc xây dựng chuỗi không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn là vấn đề chất lượng".
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận để thực hiện tốt công tác ATTP cũng phải gắn ba vấn đề chế biến, an toàn thực phẩm và thương hiệu với nhau. Hiện nay hệ thống chế biến đã có ở các tỉnh, tuy nhiên cần phải làm thế nào để tuyên truyền cho các cơ sở chế biến hiểu thêm về an toàn thực phẩm và an toàn lao động trong khi chờ nghị định ra đời. Đồng thời, sớm trình Chính phủ xây dựng được Nghị định thương hiệu quốc gia…
Tin mới
- Nhận diện một số thực phẩm từng gây ngộ độc tại bữa ăn bán trú - 20/09/2023 06:45
- Rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng - 18/09/2023 04:36
- Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng Tết Trung thu - 11/09/2023 07:09
- Tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm động vật - 26/07/2023 07:46
- Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập Sở An toàn thực phẩm - 07/07/2023 02:30
Các tin khác
- 14 sản phẩm siro ho bị cấm ở một số quốc gia chưa được cấp phép tại Việt Nam - 24/04/2023 07:32
- Người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng sản phẩm ‘xanh’ - 17/04/2023 06:21
- Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn vệ sinh tại bếp ăn trường học - 13/04/2023 00:41
- Tạm giữ 2 tấn chân gà rút xương đông lạnh - 29/03/2023 06:44
- Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia: Có vi khuẩn gây ngộ độc trong cá chép muối ủ chua - 28/03/2023 04:18