Thứ hai, 06 Tháng 12 2021 13:45

Ngày 3/12 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế người khuyết tật. Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững”.

Theo nghị quyết 47/3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, từ năm 1992, Liên hợp quốc lấy ngày 3/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về thực trạng của người khuyết tật trong mọi khía cạnh đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững”, trong đó đưa ra những thách thức gia tăng mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch COVID-19, đồng thời hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong tương lai, toàn diện hơn, với tiếp cận thuận lợi hơn, và bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi đại dịch được kiểm soát.

15% dân số thế giới là người khuyết tật

15% dân số thế giới là người khuyết tật. (Ảnh: UN)

Ngày nay, dân số thế giới là hơn 7 tỷ người và hơn một tỷ người, hay khoảng 15% dân số thế giới là người khuyết tật, với 80% trong số này sống ở các nước đang phát triển. Dự báo số người khuyết tật trên thế giới sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai do tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng cao. Tuy nhiên, lại chỉ có một số rất ít quốc gia đưa ra các cơ chế phù hợp để đáp ứng đầy đủ các ưu tiên và yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật.

Thông điệp chính của WHO nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12/2021

1.   Nhiều người trong số chúng ta có thể sẽ trở thành người khuyết tật, nhất là khi về già.

2.   WHO cam kết hỗ trợ các nước xây dựng các hệ thống y tế toàn diện, mà ở đó, người khuyết tật có thể đạt được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất trong phạm vi họ có thể.

3.   Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng những bất lợi và tăng tính dễ bị tổn thương đối với người khuyết tật do các rào cản trong lĩnh vực y tế và xã hội, bao gồm sự phân biệt đối xử và không được tiếp cận với một số hệ thống cơ sở hạ tầng.

4.   Trong quá trình khôi phục, các nước cần đưa người khuyết tật vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách y tế, đảm bảo các rào cản được gỡ bỏ một cách toàn diện và kịp thời.

5.   Việc khẳng định vị trí của người khuyết tật trong lĩnh vực y tế không chỉ là điều đúng đắn mà còn là hành động thông minh, vì sẽ trực tiếp đóng góp vào nỗ lực đạt được các ưu tiên y tế ở phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Người khuyết tật thường phải chịu nhiều thiệt thòi, song không phải tất cả trong số họ đều thiệt thòi như nhau. Vấn đề này phụ thuộc nhiều vào bối cảnh nơi người khuyết tật sinh sống cũng như việc liệu họ có được tiếp cận bình đẳng với y tế, giáo dục và việc làm…hay không. Tuy nhiên, tất cả người khuyết tật đều có nhu cầu chăm sóc sức khỏe như những người khác, do đó họ cần được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chính thống. Điều 25 của Công ước Liên hợp quốc về Quyền của Người Khuyết tật (CRPD) đã củng cố quyền của người khuyết có được tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất, không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, thực tế là rất ít quốc gia đáp ứng đầy đủ các dịch vụ có chất lượng cho người khuyết tật.

Khuyết tật là một vấn đề về quyền con người, theo đó, người khuyết tật có thể bị xâm phạm các quyền, bao gồm các hành vi bạo lực, lạm dụng, thành kiến và không được tôn trọng vì khuyết tật của họ, điều này xen kẽ với các hình thức phân biệt đối xử khác dựa trên tuổi tác và giới tính. Người khuyết tật cũng gặp phải rào cản, kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ và chiến lược liên quan đến y tế và sức khỏe. Người khuyết tật được coi là một ưu tiên trong quá trình phát triển vì tỷ lệ người khuyết tật thường có xu hướng cao hơn ở các nước có thu nhập thấp, trong khi khuyết tật và nghèo đói lại là hai vấn đề thường đi cùng nhau.

Trong bối cảnh chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế đang theo đuổi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và vạch ra lộ trình phía trước, thì cần coi trọng vấn đề hòa nhập của người khuyết tật, coi người khuyết tật là trọng tâm của quá trình hoạch định chính sách, phát triển và hệ thống y tế. Các hệ thống y tế mạnh mẽ, hiệu quả sẽ đóng vai trò hỗ trợ đẩy mạnh việc quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.

Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên và các đối tác phát triển thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau bằng cách nhấn mạnh vai trò của người khuyết tật trong lĩnh vực y tế, trong một phần nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đang gây ra những rào cản đối với người khuyết tật

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12/2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, việc nhận thức được quyền, vai trò lãnh đạo của người khuyết tật sẽ thúc đẩy tương lai chung của chúng ta. Tất cả mọi người, kể cả người khuyết tật cần đóng vai trò trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những rào cản và bất bình đẳng dai dẳng mà 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới phải đối mặt, trong khi đây cũng chính là những người chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Từ những lập luận trên, ông Guterres kêu gọi các nước đưa ra một cách ứng phó toàn diện dành cho người khuyết tật, trong khi quá trình phục hồi cũng cần được dẫn dắt bởi người khuyết tật. Bên cạnh đó, các nước cũng cần xây dựng quan hệ đối tác, giải quyết những bất công và phân biệt đối xử, mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và củng cố thể chế nhằm xây dựng một thế giới hậu COVID-19 bền vững, dễ tiếp cận và toàn diện hơn.

Ông Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện đầy đủ Công ước về Quyền của Người khuyết tật, tăng khả năng tiếp cận, đồng thời xóa bỏ các rào cản pháp lý, xã hội, kinh tế cũng như các rào cản khác đối với vai trò tham gia tích cực của người khuyết tật và các tổ chức đại diện của họ.

“Nhân Ngày Quốc tế về Người khuyết tật, chúng ta hãy cam kết xây dựng một tương lai bền vững, hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau '' – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Việt Nam tích cực chăm lo, bảo đảm quyền của người khuyết tật

 Chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. (Ảnh: Băng Châu)

Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm gần 30%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Là một nước có tỷ lệ người khuyết tật cao so với tổng dân số, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Những sự chia sẻ, hỗ trợ thiết thực đã đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp người khuyết tật có nghị lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng và đóng góp chung cho sự phát triển của xã hội.

Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Điều này khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.

Năm 2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật,khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật./.

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi