Thứ tư, 13 Tháng 1 2021 08:56

Đó là lời khẳng định của ông Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art, cơ sở chuyên sản xuất tranh ghép vải, địa chỉ: số 16 Phố Lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

 

Ông Cường giải thích: “Sau tất cả các đợt phục hồi chức năng thì phục hồi chức năng về việc làm là cái quan trọng nhất. Vì phục hồi chức năng việc làm nó giúp con người ta thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy từ gia đình, xã hội và chính từ bản thân người khuyết tật (NKT). Người ta đã nghĩ là người ta đã trở thành người có ích. Đấy là cái quan trọng nhất. Một miếng vải vụn bỏ đi, nếu mình biết sử dụng nó, tận dụng nó thì nó sẽ tạo lên những tác phẩm nghệ thuật. Và NKT cũng vậy, nếu mình biết đặt họ đúng chỗ thì họ cũng phát huy hết khả năng của họ thì cũng tạo lên giá trị trong cuộc sống này”.

 

                                                         Ông Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art

 Nói về cuộc đời riêng và quá trình vượt qua chính mình để vươn lên trong cuộc sống, ông Cường tâm sự: “Tôi bị bại liệt năm 1 tuổi và từ nhỏ tôi cũng có ước mơ. Ước mơ đó là mình đi lại được như người bình thường. Trải qua 10 lần phẫu thuật trong vòng 8 năm để cho 2 chân tôi bằng nhau để mình đi lai được. Khát khao cống hiến thì ai cũng có, tôi cũng vậy. Thậm chí khát khao cống hiến của tôi còn lớn hơn. Tôi cố gắng hết sức để học hành. Tôi cũng mất một thời gian khá dài để đi xin việc. Tôi rất may là được nhận về làm ở Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Và cũng rất may mắn là tôi được các bác, các cô, các chú khá là nổi tiếng dìu dắt, đào tạo tôi trở thành một người làm được việc và được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận. 14 năm tôi gắn bó ở nơi làm đầu tiên đã thôi thúc tôi: Khi mình đã yên ổn về cuộc sống, gia đình thì mình muốn mang những cái được xã hội đào tạo trả lại cho xã hội…”.

 

Gian nan đi gom người để cho ra đời HTX Art

 

 Bước đầu, ông Cường cử người đi học của một họa sĩ. Còn tự mình đi khắp 17 phường của Hà Đông để vận động NKT đến tham gia lớp học do mình tổ chức. Do NKT đa số sống khép kín nên vận động họ đi học, đi làm rất khó. Có người khi đặt vấn đề thì đến ngay, nhưng phần đa là phải sau nhiều lần thuyết phục mới tham gia. Thuyết phục bản thân NKT không vất vả bằng thuyết phục bậc sinh thành. Nhiều gia đình có tư tưởng sẵn sàng nuôi con bị khuyết tật cả đời, có đi làm cũng được, chẳng đi làm thì cũng không sao. Bởi, họ luôn luôn nghĩ con mình chẳng làm gì được. Chính tư tưởng này đã tạo ra một sức ì rất lớn đối với NKT.  Để thắng được lực cản này, ông Cường phải đi gõ cửa từng gia đình có NKT, và giải thích: Cái quan trọng nhất là phải hòa nhập, bởi vì có giao tiếp thì NKT mới phát triển được; mới có kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân mình.  

Điều này đúng như lời nhận xét của một em nữ khuyết tật đang làm việc tại HTX Art. Em này nói: “Mình bị khuyết tật từ năm 10 tuổi. Mình chưa bao giờ nghĩ đến là sau này mình lại làm được 1 sản phẩm đẹp như thế này. Chú Cường đã giúp cho mình làm được điều này đó”. Còn một bạn trai khuyết tật khác cũng làm việc ở đây nhận xét: “Trước đây mình không có cách nào nói cho mọi người biết mình đang nghĩ gì, cũng không nghe, không xem không hiểu đươc gì cả. Nhờ anh Cường dạy ngôn ngữ ký hiệu mà mình có thể kết nối được với thế giới và có những ước mơ của riêng mình.”.

 

Hành trình đi tìm công nghệ dán lụa trên sản phẩm

 

Ước nguyện của Giám đốc HTX Art ngày đầu là làm sao đưa lụa Vạn Phúc gắn trên những túi vải, hoặc lên những áo phông, áo dài, nhưng mà phải giặt được. Vì nếu không giặt được thì lại như những bức tranh treo lên mà thôi. Đây là thách thức rất lớn. Thế là ông Cường lao vào cuộc tìm kiếm chất liệu keo dính để ghép được lụa. Ngoài Search trên mạng ra, ông Cường đã phải nhờ tới tất cả anh em bè bạn để họ tìm giúp lọại keo có tính năng đó.

Ông Cường nhớ lại: “Năm đó có một vị giáo sư người Nhật sang Việt Nam tặng xe lăn cho tôi, ông có giới thiệu 1 loại keo của Nhật, nó chịu được cả nhiệt, chịu được nước. Song, chúng tôi đem giặt thử cũng không giặt được. Rồi có anh bạn nữa giới thiệu cho tôi cái keo của Mỹ, song cuối cùng cũng không giặt được. Và tôi có thời gian ngồi rất là nhiều ở những hộ in áo phông, nhìn họ in đề can như thế nào và mình có thể làm được trên lụa..? Tất cả các cửa hiệu dán đề can họ đều khẳng định trong tất cả các chất liệu vải thì in trên lụa là khó nhất. Tôi nghĩ mình phải cố gắng làm và làm bằng được thì thôi. Nếu mình không làm được thì mình cũng thấy tự hào là mình cũng cố hết sức rồi. Cứ người nọ giới thiệu người kia, cuối cùng tôi đã tìm được 1 công ty chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành may mặc. Anh bán keo cho tôi rất tốt. Anh cho tôi thử nghiệm tất cả các loại keo mà công ty anh có. Và cuối cùng, tôi đã chọn được loại keo này. Tôi với anh cũng làm với nhau và anh đã hướng dẫn quy trình và cách làm cho tôi.   Làm xong, giặt tay đến lần thứ 5 thấy không bung. Tôi rất là vui và gọi điện cho anh Hải – giám đốc công ty thời trang. Bên đó họ có phòng lab, nghiên cứu rất sâu về vải. Anh Hải giúp tôi nghiên cứu và thực hành. Kết quả khi dùng keo này phải giặt tới lần thứ 21 mới bung. Sau này Anh còn cử 1 cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ tôi, về điều chỉnh nhiệt độ như thế nào cho nó phù hợp. Từ đó chúng tôi có sản phẩm để đi chào hàng.”.

 

                                              Thành viên HTX Vụn Art tái chế vải vụn thành tranh nghệ thuật

Nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của họa sĩ Đặng Thị Khuê, sự tư vấn và định hướng của Chủ tịch HĐQT Công ty Le Bros – Lê Quốc Vinh, mà chỉ sau 3 năm thành lập, từ những bước chân chập chững, Vụn Art đã và đang bắt đầu có những bước phát triển, sẵn sàng vươn cao và đi xa hơn. Năm 2019, Vụn Art đã có 4 tác phẩm: tranh ghép vải, túi xách, áo phông, kít ghép tranh, đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm của Vụn Art độc đáo, mẫu mã đẹp nên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, cơ sở này đã tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng./.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi