Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được, chị Nguyễn Thị Huệ- lao động cuối cùng trong số 5 lao động làm đơn kêu cứu, tố cáo sai phạm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Inimexco Hải Dương đã về tới nhà an toàn vào 7h30' tối hôm qua (6/7), chấm dứt chuỗi ngày lao động khổ sai bên xứ người.
Chia sẻ với PV, anh Hoàng Văn Nam (trú tại cụm 8, thị trấn Phúc Thọ, Hà Nội), chồng của lao động Nguyễn Thị Huệ cho biết mình cảm thấy "như trút được gánh nặng ngàn cân khỏi lồng ngực":
"Những ngày vợ tôi còn mắc kẹt bên xứ người chưa thể về nước là bấy nhiêu ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi luôn lo lắng cho sức khoẻ và sự an nguy của vợ mình, không biết công ty bên ấy có đối xử tàn tệ với cô ấy không? Giờ đây, khi vợ tôi chính thức đặt chân xuống sân bay, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm".
Bên cạnh đó, anh Nam cũng cho biết người lao động sẽ sang làm việc với Cục quản lý lao động ngoài nước trong ngày 7/4/15 để họ nắm được tình hình và sắp xếp làm việc với Công ty Inimexco Hải Dương để thoả thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại cho phía người lao động.
Đơn khiếu nại của các lao động đang làm việc trái phép tại Liên bang Nga
Trước đó, vào ngày 23/3/2015, phía người lao động đã có buổi làm việc với Công ty Inimexco Hải Dương.
Chị Vũ Thị Nhung (1 trong số 5 lao động – PV) cho biết: "Chúng tôi được đại diện Công ty Inimexco Hải Dương- chi nhánh Hà Nội là ông Hồ Phong Tùng- Phó Giám đốc chi nhánh và ông Vũ Hải Việt- Đại diện pháp lý mời lên làm việc về việc thanh lý hợp đồng lao đồng.
Trong buổi làm việc, bên công ty đề xuất hỗ trợ mỗi lao động là 3.000.000 đ (Ba triệu đồng); bên phía chi nhánh Đăk Nông, ông Tùng hỗ trợ mỗi lao động 4.000.000 đ (Bốn triệu đồng)- với lao động đã nộp 19.980.000 đ (Mười chín triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng) và 6.000.000 đ (Sáu triệu đồng)- đối với lao động đã nộp 30.000.000 đ (Ba mươi triệu đồng). Về khoản nợ ngân hàng chính sách, Công ty sẽ giúp giãn nợ để người lao động trả dần. Công ty chịu trách nhiệm xử lý việc thu giữ hộ chiếu, và giải thích với chính quyền địa phương về thông báo sai lệch của công ty gây ảnh hưởng đến nhân cách đạo đức của người lao động".
Hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Nga của Công ty Inimexco Hải Dương
Nhận thấy Công ty đang cố tình trốn tránh trách nhiệm về việc vi phạm pháp luật của mình, những người bị hại trong hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Inmexco Hải Dương đã yêu cầu: Công ty Inimexco Hải Dương phải hoàn trả toàn bộ chi phí người lao động đã đóng cho Công ty; giải quyết tiền lương người lao động đã làm việc bên Nga theo đúng hợp đồng đã ký; giải quyết vấn đề hộ chiếu của Vũ Thị Nhung và Hà Thị Nhung; bồi thường tổn thất tinh thần cho người lao động khi làm việc tại Nga, đồng thời hỗ trợ chi phí đi lại thanh lý hợp đồng với Công ty tại Hà Nội.
"Tuy nhiên, Công ty đã tỏ thái độ không thiện chí giải quyết vụ việc. Đồng thời viện cớ rằng Công ty đã phải chi nhiều tiền để đưa người lao động sang Nga làm việc "hợp pháp", sau đó đưa trở về nước để không chịu bồi hoàn xứng đáng cho chúng tôi. Chúng tôi là những người lao động theo diện xóa đói giảm nghèo, phải vay vốn ngân hàng, mượn nợ để đi xuất khẩu lao động, nay chúng tôi phải về nước với ly do chủ quan (chủ sử dụng lao động không làm đúng hợp đồng, không trả lương cho người lao động và công ty đưa người đi trái quy định của nhà nước) nên chúng tôi mong muốn được trả quyền lợi hợp pháp, nhưng với cách giải quyết của công ty chúng tôi không đồng ý", chị Nhung bức xúc cho biết.
Biên bản làm việc giữa Công ty Inimexco Hải Dương và người lao động trong ngày 23/3
Ngoài ra, theo thông tin ghi nhận lại được trong buổi làm việc với Công ty Inimexco Hải Dương, khi người lao động đặt câu hỏi tại sao Công ty biết đưa người lao động sang Nga làm may mặc là sai quy định của nhà nước mà Công ty vẫn tiến hành thì ông Vũ Hải Việt- đại diện pháp lý của doanh nghiệp đã trả lời: "Công ty đưa người đi trái quy định của nhà nước thì công ty chịu trách nhiệm với pháp luật, trước cơ quan chức năng, còn trách nhiệm với người lao động là trên hợp đồng đã ký".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là một hợp đồng xuất khẩu lao động trái với quy định của pháp luật liệu có đảm bảo giá trị pháp lý?
Trao đổi với PV, anh Nam cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng đệ đơn lên toà án để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Theo Kinhdoanhnet.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Làm sao vượt qua nỗi đau bị phản bội - 15/04/2015 08:57
- Dùng máy ghi âm “trị” mẹ chồng “điêu” - 15/04/2015 03:08
- Phải làm sao để chồng giúp việc nhà? - 15/04/2015 01:59
- Làm dâu nhà giàu, mẹ ơi con chẳng sướng đâu! - 13/04/2015 08:50
- Phương pháp xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ - 08/04/2015 02:47