Đang ở ngay giữa nhà mình, mà con cũng thấy nhớ nhà mới lạ. Bởi chẳng mấy chốc nữa thôi, con lại phải xa mảnh đất mà con đang đứng, xa tất cả những người mà con yêu quý.
Hình ảnh minh họa
Sinh bé thứ hai, con bớt ngại ngùng với nhà nội hơn, mới dám xin phép về ngoại chơi lâu lâu một chút, độ vài chục ngày. Nay hết hạn rồi, nhưng con vẫn muốn nán lại chẳng muốn xa.
Con nhớ cha. Nhớ cái dáng tất bật lúc nào cũng vội vàng đến giờ cơm trưa là chạy về nấu nướng, dọn dẹp để phục vụ mấy mẹ con, bà cháu. Mẹ đi chợ xa, biết chừng về nhà sẽ muộn, nên sáng sớm nào cũng cẩn thận dặn cha: "Cái Linh bây giờ nó bận xoay với hai đứa con rồi, chắc không cơm nước được đâu. Ông cố gắng đến bữa về sớm phụ nó." Anh em con đi xa, cha mẹ có khi ăn cơm qua loa cho đặng bữa. Nhưng chỉ cần nghe tin có đứa nào về, là cha mẹ lại háo hức chuẩn bị đồ ăn thức uống từ mấy ngày trước.
Nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng gấp mấy lần, rồi cha vội vàng giặt chăn, ga gối, sửa soạn lại giường chiếu cho mấy mẹ con con. Nhân lúc con vừa đi ra ngoài, cha lén đứng tần ngần trước cái nôi của cháu ngoại bé bỏng, lúng túng không biết bồng bế như thế nào. Nhìn cha ngại ngùng nựng em bé, con thật không cầm được lòng mình. Nhanh thật phải không cha, mới ngày nào con là đứa bé nằm đấy đợi được cha ấp ôm, mà giờ đã nâng cha lên chức ông ngoại đến tận mấy lần.
Con nhớ mẹ. Nhớ những giọt mồ hôi của mẹ khi cố gắng làm hàng từ giữa trưa nắng nóng để chiều có thêm thời gian chơi với cháu. Nắng, gió xứ Nghệ bỏng rát, hắt hết cả vào gương mặt đã đầy nếp nhăn của mẹ. Vì mẹ cứ sợ, cháu chắt về nhà được vài bữa lại ra Hà Nội, hiếm có dịp nào bà cháu mới lại được gặp nhau. Nên chiều mẹ tranh thủ dẫn nhóc lớn của con ra thăm đồng ruộng sau mùa gặt, chỉ cho cháu cái này cái kia mà ở thành phố chỉ thấy được qua sách ảnh, ti vi. Tối mẹ lại giành con phần trông cháu, cứ khăng khăng đuổi con đi ngủ, đêm để cháu ngủ với bà.
Nhà mình ít tiền, nhưng không thứ gì mà mẹ không cố gắng tằn tiện mua cho các cháu. Mẹ cứ tất tả chạy ngược, chạy xuôi mỗi khi thiếu thứ này thứ kia. Mẹ vất vả với gánh hàng của mình, nhưng lúc nào cũng tranh thủ vào phụ giúp con giặt giũ hay bế cháu. Mẹ cứ muốn con được nghỉ ngơi, kiêng cữ cho nhanh hồi sức. Cứ lo con làm việc này việc kia rồi sẽ khổ về sau. Nhưng mẹ quên mất là con cũng làm mẹ rồi, đâu còn non nớt như xưa kia nữa. Và con sẽ nhanh chóng trở nên mạnh mẽ như tất cả các bà mẹ trên cuộc đời này thôi.
Con cũng nhớ bà ngoại. Nhớ bà già yếu, chân tay đã run run, đi không còn vững nữa, nhưng hễ khi nào nghe tin mẹ con con về, là bà cũng lại lặn lội sang nhà thăm cháu. Con thấy nét mặt bà rạng rỡ biết bao nhiêu khi con đặt thằng cu lên tay bà. Bà cười hiền nhìn nó và bảo: "sao mà giống mẹ mày hồi bé thế không biết". Còn con dành cơ hội để được ngắm bà, cứ lặng người đi khi thấy mới ngày nào bà còn nhanh nhẹn, mà giờ muốn đi đâu đã phải chống gậy, lưng còng. Mái tóc đen, dày của bà mới ngày nào quấn vành khăn gọn gàng, giờ đã chỉ còn một nhúm mỏng lơ thơ, chỉ đủ búi vội đằng sau, không còn một sợi nào màu tuyền nữa rồi.
Thời gian thật khắc nghiệt quá đi thôi. Con lớn lên, trưởng thành, thì những người thân yêu xung quanh con lại ngày một già yếu đi. Những ngày con được ở bên bà, bên mẹ cha thật chẳng còn bao lâu nữa. Ấy vậy nên, con chỉ ước ao mình mãi thơ bé, mãi dại khờ để được nép mình trong tình yêu bao la của mọi người như những ngày xưa.
Theo Dân trí