Làm dâu xứ lạ, chị Thảo đã chọn cách yêu thương, xem mẹ chồng như mẹ đẻ.
Chị Nhữ Thị Thảo (28 tuổi, quê Thanh Hóa) làm dâu Phú Thọ được 6 năm nay. Suốt thời gian đó, chị được mẹ chồng yêu thương như con gái. Cũng nhờ có mẹ mà cuộc sống vợ chồng chị êm ấm, hạnh phúc, hai con ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Bố mẹ chồng cũng tạo điều kiện cho chị đi học lại, xin việc, cho vốn mở cửa hàng.
"Tôi về làm dâu nhà chồng khi không có công ăn việc làm gì, lại có bầu trước khi cưới. Tính nết vốn trẻ con, chưa hiểu chuyện, còn vụng về, thiếu ngăn nắp, trong khi mẹ chồng sạch sẽ và cẩn thận. Vì thế những ngày mới làm dâu, giữa hai mẹ con có bất đồng. Bị mẹ nhắc nhở, tôi hay biện minh cho bản thân. Mẹ mới nói rằng: "Không có kiểu con dâu đi nói lại mẹ chồng như vậy đâu". Lúc ấy tôi rất buồn, nước mắt cứ chảy ròng, tôi với mẹ: "Mẹ ơi, mẹ có thể nói câu đấy mà bỏ từ 'dâu' và từ 'chồng' đi được không. Chỉ cần: 'Không có kiểu con cái nói lại mẹ như vậy đâu' thôi là được rồi ạ. Con làm dâu xa, ở đây con chỉ có người thân là chồng và gia đình mình và mẹ thôi".
Mẹ tôi im lặng không nói gì, chỉ cười. Sau lần đấy, hai mẹ con cởi mở hơn với nhau. Có gì tôi cũng tâm sự với bà, từ chuyện bạn bè, công việc, chuyện vợ chồng. Tôi cũng nói với bà: "Tính con còn vụng, không khéo ăn nói nhưng nói xong rồi con quên ngay chứ con không ác ý. Có gì không phải mẹ nhắc con luôn chứ đừng để bụng mẹ nhé". Từ đó đến nay, làm dâu 6 năm mà hai mẹ con có gì không vừa lòng cũng đều nói luôn rồi lại vui vẻ chứ không bao giờ có chiến tranh lạnh.
Tôi vẫn còn nhớ, thời mới làm dâu hàng xóm dị nghị tôi nhiều. Mẹ không để ý, còn động viên tôi đừng để bụng: "Thiên hạ nói gì mặc họ. Người trong nhà hiểu nhau là được".
Ban đầu chị Thảo học ngành du lịch, lấy chồng rồi thôi việc. Gia đình chồng tạo điều kiện cho chị đi học lại ngành y. Ảnh: NVCC.
Trước tôi học du lịch, nhưng lấy chồng rồi ở nhà luôn. Bố mẹ chồng cho tôi đi học ngành y, suốt 3 năm nuôi tôi ăn học vì khi ấy chồng làm thu nhập chưa cao. Lúc bầu lần hai, tôi bị thấp thai và bong rau non, chỉ nằm một chỗ. Bà chăm sóc tận tình: Nấu cơm mang tận giường, lo từng chuyện vệ sinh cá nhân khi chồng tôi đi vắng, thậm chí ăn xong bà còn lấy tăm, lấy nước cho tôi. Nhà ngoại tôi ở tận Thanh Hoá, cách 300 km nên mẹ đẻ có ra thăm cũng chỉ được vài hôm. Tất cả tôi đều nhờ mẹ chồng.
Hàng xóm suốt ngày ghen tỵ là bà chiều con dâu quá đấy, so sánh tôi với người này người kia. Mẹ chồng tôi bảo: "Nó như thế nhưng khối đứa không theo được đâu". Gần đây tôi bận bán hàng thì mọi việc vặt trong nhà từ nhà cửa đến cơm nước, bà làm hết. Sáng bà không gọi tôi dậy sớm vì sợ đêm qua thức khuya bán hàng online.
Mẹ con hiểu nhau, nên mỗi lần vợ chồng tôi có xích mích gì, bà đều đứng về phía tôi và nhắc nhở con trai bà. Nhớ có lần tôi đi đang đi học dưới trường, hai vợ chồng cãi nhau. Giận chồng tôi khóc nhiều lắm. Tôi gọi điện mách với bà. Bà gọi khuyên tôi đừng suy nghĩ mà ốm. Song bà thấy tôi khóc quá nên ra trường thăm luôn. Bà nấu cơm cho tôi ăn, chia sẻ nhiều về cuộc sống vợ chồng rằng sẽ không tránh được những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Bà đợi đến lúc tôi bình tĩnh mới về, thân thiết như mẹ đẻ vậy.
Nói thật, bây giờ tôi sợ chuyển ra sống riêng lắm. Vợ chồng trẻ không thể tránh chuyện lục đục, cãi vả. Ở cùng bố mẹ sẽ có người chia sẻ, uốn nắn kịp thời. Bố mẹ luôn cho những lời khuyên đúng nhất. Hơn nữa các cháu còn được ông bà chăm nom. Mình cũng có thời gian quan tâm bố mẹ.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn chia sẻ rằng, nhờ sự thoải mái, mở lòng mà tôi với mẹ hiểu nhau. Hiểu nhau sẽ dễ dàng yêu thương, chia sẻ trong cuộc sống. Và người chồng cũng không bao giờ vướng vào thế khó xử giữa mẹ và vợ".
Theo VnExpress