Đằng đẵng 10 năm, Thuỷ và Lâm như hình với bóng bên nhau. Cuối năm nay, họ dự định sẽ về chung sống một nhà. Nhưng cái đám cưới được chờ đợi mãi ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ được diễn ra...
Cũng như những người con gái khác, khi đã có công ăn việc làm ổn định, Thuỷ cũng chỉ có một mong muốn giản đơn là đã chọn được người yêu rồi thì phải tạo lập gia đình riêng, sinh con đẻ cái. Thuỷ yêu Lâm từ thời học Đại học, thời gian đủ để họ hiểu nhau và đi đến hôn nhân. Tháng 8 vừa rồi, Lâm đã cầu hôn Thuỷ, hai nhà cũng đã gặp gỡ và dự tính ấn định đám cưới vào tháng 12 này.
Từ ngày nhận lời cầu hôn của Lâm, hạnh phúc càng nhân lên gấp bội trong lòng Thuỷ. Cùng với niềm hạnh phúc này, cả hai người đều rất bận bịu và mệt mỏi cho công việc tổ chức đám cưới. Vốn sinh ra trong một gia đình thuộc hạng khá giả của thành phố, trước sự việc "trăn năm có một" của con gái, bố mẹ Thuỷ rộng rãi: "Con cứ làm theo ý mình, thích mua sắm gì đừng ngần ngại, bố mẹ sẽ chu cấp cho con đầyđủ, không để con phải thua thiệt với bạn bè".
Ngược lại với Thuỷ, Lâm sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp, cuộc sống rất tằn tiện. Dưới Lâm, còn một đàn em với gánh nặng lo toan đặt lên vai bố mẹ già. Đám cưới của cậu con trai cả, bố mẹ Lâm không muốn cũng đành phải giao toàn bộ cho chính cậu trai con tự lo liệu.
Nếu trước kia, Lâm Thuỷ vấn rất hợp nhau từ suy nghĩ đến hành động, từ cách làm đến kiểu chơi, thì đến khi phải đối mặt với thực tế của cuộc sống, những vấn đề mâu thuẫn mới bắt đầu phát sinh. Từ những chuyện đơn giản nhất như mẫu thiếp mời, đến chuyện chọn váy cưới, chọn khách sạn, lựa món ăn trong tiệc cưới... họ đều không tìm được tiếng nói chung.
Hình ảnh minh họa
Trước tiên là chuyện chụp ảnh cưới. Lâm muốn họ ghi dấu hình ảnh đẹp nhất cuộc đời của mình trong một studio, vừa không phải mệt mỏi quan tâm đến thời tiết mà lại tiết kiệm nữa. Nhưng Thuỷ thì không đồng ý, cả đời người chỉ chụp có một lần, phải chụp cho đẹp. Thuỷ muốn có một bộ ảnh cưới chụp bên biển. Chỉ tốn có hơn 10 triệu, nhưng đổi lại là những bức hình như lấy ra từ phim Hàn. Thuyết phục thế nào, Thuỷ cũng không nhận được sự đồng tình của vị hôn phu.
Đến chuyện váy cưới, Lâm nhất nhất bảo Thủy ra hiệu thuê một chiếc, mặc một vài tiếng trong đời, cần gì phải mua riêng. Nhưng Thuỷ lại có quan điểm: Ngày trọng đại nhất, mặc cái áo người này, người kia đã mặc rồi, chẳng hay ho gì. Thuỷ muốn mua một chiếc, mặc hôm cưới rồi cất đi, mỗi năm kỷ niệm bỏ ra mặc lại xem người mình thay đổi ra làm sao. Khi nào có con gái, sẽ dành tặng nó.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm là khi bố Thuỷ nhờ quan hệ, "chen ngang" đặt chỗ được ở một khách sạn tầm cỡ trong thành phố. Thuỷ háo hức báo tin cho Lâm, những tưởng sẽ được gia đình chồng tương lai hồ hởi chia vui, nào ngờ, Lâm xa sầm mặt: "Gia đình anh không có ý định tổ chức ở khách sạn, khu tập thể anh ở cho mượn nhà văn hóa với giá rất rẻ, chứ khách sạn nhà anh không có tiền lo, khách khứa toàn người bình dân, đi ăn ở nơi sang trọng như vậy họ cũng chẳng có khả năng, cố quá thì khổ thân họ."
Thuỷ nói nhà cô sẽ lo hết, nhưng lại càng làm sự tự ái của Lâm trào lên: "Em đừng có mở miệng ra là nhà em, nhà em nữa đi. Đám cưới của hai đứa chứ có phải của riêng em đâu mà cái gì cũng nhà em?"
Từ ngày quyết định cưới tình cảm của họ càng nhạt dần bởi những cuộc cãi vã không dứt. Mâu thuẫn này chưa giải quyết xong, mâu thuẫn kia đã lại tới. Và đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi bố mẹ Thuỷ ngỏ ý muốn Lâm ở rể vì Thuỷ là con một, nhà lại rộng quá, gần chỗ làm của hai đứa. Nhưng Lâm không đồng ý, Lâm nhất mực yêu cầu Thủy phải về chung sống cùng gia đình Lâm. Bố mẹ Lâm cũng đã nhiều tuổi. Lâm muốn Thuỷ về sống cùng để làm tròn chữ hiếu.
Không thể đồng quan điểm dù chỉ với những vấn đề nhỏ nhặt nhất, Thuỷ và Lâm quyết định hoãn đám cưới. Cũng nhanh chóng như khi vừa nhận lời cầu hôn, Thuỷ đòi Lâm ra toà huỷ giấy chứng nhận kết hôn. Họ li dị khi chưa một lần là vợ chồng.
Theo Pháp Luật Việt Nam