Anh Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991, quê Nghệ An), hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội chính là người khởi xướng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Chia sẻ với PV Infonet, anh Thắng kể, cách đây gần 3 tháng, anh nhận được tin nhắn của một người con bày tỏ nguyện vọng được phục dựng bức ảnh của bố mình là liệt sĩ hi sinh năm 1972. Anh Thắng nhận lời ngay. Khi phục dựng xong, anh đăng bức ảnh này lên mạng xã hội. Câu chuyện về bức ảnh này được lan truyền nhanh chóng, anh nhận được vô số lời khen và nhờ giúp đỡ từ cộng đồng mạng.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm của anh Thắng đã phục dựng miễn phí hơn 130 bức ảnh liệt sĩ và nhóm vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc ý nghĩa này. |
“Hàng trăm tin nhắn của người nhà liệt sĩ đổ về, mong mỏi phục hồi tấm ảnh duy nhất mà các liệt sĩ để lại. Nhìn những bức chân dung liệt sĩ phai mờ theo thời gian, không còn nhìn rõ mặt, tôi quyết định phục chế miễn phí ảnh chân dung liệt sĩ để tặng các gia đình thân nhân vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7/2022”, anh Thắng kể.
Khi chia sẻ ý tưởng này, anh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những người cùng làm thợ ảnh và học trò của mình. Rất nhanh chóng, nhóm “Team Lee” được thành lập gồm 6 chàng trai trẻ.
“Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ để đổi lấy hoà bình, độc lập cho dân tộc khiến lớp trẻ chúng tôi luôn cảm thấy trân trọng, biết ơn. Mọi người trong nhóm sẵn sàng dành thời gian để phục dựng miễn phí các bức ảnh như một cách tri ân đến các anh hùng liệt sĩ, an ủi người thân vơi bớt nỗi buồn”, anh Lê Quyết Thắng tâm sự.
Bức chân dung liệt sĩ trước và sau khi được nhóm Team Lee phục chế. |
Bắt tay vào thực hiện từ ngày 20/6, đến nay, nhóm " Team Lee" đã phục dựng được hơn 130 bức ảnh chân dung liệt sĩ.
Nhận được bức ảnh phục dựng của ba mình, chị Hoàng Thanh (Hà Nội) xúc động chia sẻ, gia đình chị đã đưa ảnh ba đến hiệu ảnh phục dựng để làm ảnh thờ nhưng do tấm ảnh chụp từ năm 1959 trước khi vào Nam chiến đấu, hình in trên giấy lụa phóng to ra, có nét kẻ ca rô trên gương mặt nên thợ ảnh bảo không phục chế được. Nhờ có Team Lee, bức ảnh của ba chị đã được phục hồi lại rất đẹp và trang trọng.
“Bức ảnh sống động như ba mình hiện về vậy. Tấm ảnh thờ là món quà vô giá cho ngày giỗ chung 27/7 và các gia đình liệt sĩ cùng cảnh ngộ. Thay mặt gia đình, xin cảm ơn rất nhiều tới ekip”, chị Thanh bày tỏ.
Bức chân dung liệt sĩ Nguyễn Khắc Tỉnh (Ninh Giang, Hải Dương) hi sinh năm 1972 được nhóm Team Lee phục chế. |
Cũng nhờ anh Thắng phục chế lại bức ảnh của bố mình, ông Trường Trung (Đồng Nai) kể, bố ông là lính đặc công Quân khu 5, hi sinh năm 1972 khi tham gia trận đánh đồn tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Di vật duy nhất ông để lại là tấm ảnh nhưng qua thời gian đã bị hư hỏng, hoen ố không nhìn thấy gì.
“Gia đình tha thiết mong phục hồi ảnh bố. Khi chia sẻ câu chuyện, được anh Thắng nhiệt tình giúp đỡ. Nhận được bức hình đã được phục chế, tôi xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, không thể diễn tả hết cảm xúc, cảm ơn Thắng rất nhiều”, ông Trung tâm sự.
Anh Thắng cho biết, lúc đầu anh kêu gọi phục dựng, in đóng khung 75 bức ảnh tặng thân nhân, gia đình liệt sĩ từ ngày 20/6 đến 25/7, nhưng đến nay số lượng ảnh phục dựng thành công đã gấp đôi và con số vẫn chưa dừng lại.
Một bức chân dung liệt sĩ được nhóm dày công phục dựng. |
Mặc dù mỗi người trong nhóm còn có công việc chính nhưng hằng ngày nhóm vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để tập hợp, cùng nhau thực hiện việc phục dựng ảnh.
“Thông thường, ăn cơm tối xong khoảng 20h là cả nhóm bắt đầu chỉnh sửa ảnh đến 2-3h sáng hôm sau. Chúng tôi biết các gia đình đang rất hi vọng, mong ngóng nên cố gắng để có thể kịp trao các bức ảnh trước ngày 27/7”, anh Thắng nói.
Hầu hết các bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu. Có nhiều bức ảnh được vẽ lại theo trí nhớ người thân nên để phục chế lại phải mất nhiều thời gian, phải cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết.
“Trung bình việc phục dựng mỗi bức ảnh mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành, nhưng có những bức ảnh khó, mất 3 ngày mới xong. Khó nhất của phục dựng đó chính là đôi mắt. Phải làm sao để bức ảnh thật nhất, có thần thái nhất. Mỗi bức ảnh là công sức của của cả nhóm, chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để trao đổi, góp ý, chỉnh sửa”, anh Thắng cho hay.
Những ngày cuối tháng 7 này, Thắng và nhóm của anh lại rong ruổi khắp các cung đường, từ Hà Nội, Thái Nguyên tới Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng… để trao tận tay những bức ảnh cho các gia đình thân nhân ở xa không có điều kiện đến nhận.
Những bức ảnh được phục chế xong được nhóm in, đóng khung, trao tận tay các gia đình liệt sĩ. Tấm lòng và tài năng của các chàng trai trẻ khiến nhiều người cảm phục. |
Anh Thắng cũng cho biết, hiện nay số lượng tin nhắn nhờ phục chế ảnh liệt sĩ mà nhóm nhận được mỗi ngày rất nhiều, nhưng do nhân lực có hạn nên vẫn chưa thể đáp ứng được hết. Vì thế, anh hi vọng những người làm nghề ảnh trên cả nước cùng bắt tay vào tham gia, chia sẻ với nhóm, một công việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa.
Chàng trai xứ Nghệ tâm sự, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân liệt sĩ khi cầm bức ảnh, anh chỉ mong sao giúp đỡ được nhiều hơn các gia đình liệt sĩ, giúp họ được ngắm nhìn, lưu giữ được hình ảnh người thân, để luôn cảm thấy người thân của mình vẫn kề bên.
Tin mới
- Lớp giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật không quá 12 học sinh/lớp - 04/08/2022 07:17
- ASEAN PARA GAMES 2022: TUYỂN BƠI VIỆT NAM LIÊN TIẾP ĐOẠT THÊM 2 HCV - 03/08/2022 02:34
- ASEAN Para Games 2022: 'Hãy cùng nhau chiến thắng' - 01/08/2022 03:29
- Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ bé gái 7 tuổi nghi bị bạo hành - 28/07/2022 07:02
- LỄ XUẤT QUÂN CỦA ĐOÀN TTNKT VIỆT NAM LÊN ĐƯỜNG SANG INDONEXIA DỰ ASEAN PARAGAME 11 - 26/07/2022 08:29
Các tin khác
- Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ, cha mẹ nên biết để phát hiện sớm - 14/07/2022 05:57
- Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương đến trẻ tự kỉ - 22/06/2022 23:06
- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ khiếm thị - 15/06/2022 04:38
- Xử lý bạo lực học đường: Cảm hóa học sinh, đừng tạo sự tủi nhục, bất bình - 30/05/2022 02:08
- Phóng viên khuyết tật người Indonesia tác nghiệp tại SeaGames 31 - 19/05/2022 23:07