Liên quan đến việc một phụ huynh ở trường quốc tế ở TP. HCM tố con bị bạn học đánh, dưới góc độ quản lý giáo dục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng dù giải quyết sự việc theo cách nào thì cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, thực tế những vụ hành hung, tấn công, bắt nạt học đường thì thời nào cũng có, xã hội nào cũng có, nước nào cũng có. Vấn đề là việc giáo dục và nhắc nhở học sinh các trường có làm đến nơi đến chốn hay không, có tác động đến học sinh một cách mạnh mẽ hay không thì tùy thuộc vào cách xử lý của mỗi nhà trường.
Với sự việc của trường quốc tế vừa rồi, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, đầu tiên nhà trường cần gặp gỡ phụ huynh để thống nhất các yêu cầu giáo dục trẻ. Học sinh đánh nhau ở trong hay ngoài trường thì trách nhiệm đầu tiên của nhà trường là yêu cầu giáo dục học sinh trước. Yêu cầu thứ hai là giúp cho học sinh và cha mẹ học sinh giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để.
"Hòa giải các em mới là quan trọng, nhà trường không phải là tòa án để phân định thắng thua. Chúng ta không nói phải - trái - đúng - sai mà phải giúp các em nhận thức được người gây ra chuyện đó không tốt mà người bị hại càng đòi hỏi phải có lòng vị tha, trách nhiệm của gia đình chứ không phải đến trường để cãi cọ, đấu tranh. Nhà trường và gia đình nên cùng có trách nhiệm, yêu thương và giúp đỡ nhau giải quyết hậu quả".
Phụ huynh và đại diện nhà trường trao đổi. Ảnh cắt từ clip.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nếu nhà trường để phụ huynh tự giải quyết, không can thiệp là sai, là không chuyên nghiệp, không đảm bảo nguyên tắc giáo dục của nhà trường.
Phụ huynh và học sinh cũng có thể ngồi giải quyết nhưng phải có sự chứng kiến của nhà trường, trách nhiệm của nhà trường và phải có sự phán quyết có đồng ý cách làm đó hay không. Mục đích là giáo dục và mọi người đều phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Còn đối với những học sinh sai phạm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, bạo lực học đường xuất phát từ tâm lý lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định cái tôi và thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Chính vì chỉ đang định hình tính cách nên nhà trường cần giúp trẻ thấy trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình, thấy được tác hại khi vừa làm mất an ninh, mất danh dự của nhà trường, vừa làm đau cả thân thể và tâm lý của bạn. Chúng ta dạy cho học sinh cách thương lượng chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết.
Cần nhớ rằng, khi học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.
Với những học sinh bị bạo lực học đường, phụ huynh khuyên con không được giấu giếm mà nên tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô để giải quyết vụ việc, tạo sự thân thiện sau này để trẻ không nuôi hận thù, biến xung đột thành tình bạn cao đẹp.
Hiện Bộ GD&ĐT đã có đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trường quốc tế cần rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục học sinh và cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP. HCM trong thời gian tới.
Trước đó, trên trang cá nhân của chị T.H.T có con hiện đang theo học tại Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA), cho hay vào tuần trước, học sinh của ISHCMC - AA đi dã ngoại tại khu vực Hồ Tràm. Lúc ăn, con chị T. giữ ghế cho bạn đi lấy đồ ăn. Sau đó, một học sinh lớp 8 của trường đến, bày tỏ ý định muốn lấy cái ghế đó. Lúc này, con chị T. mới nói là ghế đó đã có người ngồi rồi. Học sinh lớp 8 có nói nặng lời nhưng con chị T. không phản ứng gì. Mọi việc tưởng chừng như dừng lại đó.
Cũng theo vị phụ huynh này, vào ngày 26/5, con của chị bị một học sinh cùng trường đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên của trường. Chị T. nói rằng, giáo viên của trường có nhìn thấy nhưng đã không can ngăn. Phụ huynh trường quốc tế nói trên kể lại, một số học sinh khác bất bình, muốn bảo vệ con chị nên cũng bị nữ sinh kia đánh. Hiện cả 4 em đang có biểu hiện như sang chấn tâm lý, hoảng loạn, tức ngực, trên người có vết xước, bầm tím.
Tin mới
- LỄ XUẤT QUÂN CỦA ĐOÀN TTNKT VIỆT NAM LÊN ĐƯỜNG SANG INDONEXIA DỰ ASEAN PARAGAME 11 - 26/07/2022 08:29
- Những chàng trai trẻ phục dựng miễn phí hàng trăm bức ảnh liệt sĩ - 26/07/2022 01:08
- Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ, cha mẹ nên biết để phát hiện sớm - 14/07/2022 05:57
- Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương đến trẻ tự kỉ - 22/06/2022 23:06
- Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ khiếm thị - 15/06/2022 04:38
Các tin khác
- Phóng viên khuyết tật người Indonesia tác nghiệp tại SeaGames 31 - 19/05/2022 23:07
- Rối loạn tâm lý, tâm thần mùa thi căn bệnh không thể xem nhẹ - 19/05/2022 07:52
- Điều dưỡng - Những người thầm lặng vì bệnh nhân - 12/05/2022 03:40
- Thỏa ước lao động tập thể góp phần chống bất bình đẳng - 10/05/2022 02:00
- Cầu nối giúp các VĐV khuyết tật tìm được việc làm. - 21/04/2022 07:40