Thứ ba, 19 Tháng 6 2018 10:24

Máy đọc chữ “phiên dịch” những trang sách thành âm thanh, thư viện trực tuyến cho người khiếm thị là hai trong số nhiều dự án ứng dụng công nghệ của chương trình UPSHIFT (Vươn lên).

 

The Toan

Nguyễn Hữu Toàn (ngồi xe lăn) và Phạm Hoàng Phúc (phải) chia sẻ những câu chuyện về quá trình phát triển dự án của mình tại chương trình DEMO Day. Ảnh: Hà Thế An.

 

Hai dự án này chỉ là một phần nhỏ của nhiều ý tưởng sáng tạo khác hướng đến người khiếm thị, cũng như những đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Điều đặc biệt, những người làm dự án này đều là những người trẻ. Họ là những học sinh, sinh viên yêu thích công nghệ.

 

Các chủ dự án đã có những chia sẻ về quá trình làm việc, trải nghiệm làm sản phẩm, khảo sát khách hàng tại chương trình DEMO Day của dự án UPSHIFT do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) Việt Nam và Saigon Innovation Hub phối hợp tổ chức vào chiều 05/05.

 

Nguyễn Hữu Toàn (24 tuổi) là một người bị liệt đôi chân. Toàn thấu hiểu được những người khuyết tật sẽ gặp những khó khăn thế nào trong cuộc sống. Và với người khiếm thị cũng vậy. Vì họ không còn đôi mắt. Việc tiếp cận những kiến thức xã hội, cũng như chuyên môn và những lĩnh vực họ yêu thích gặp nhiều khó khăn.

 

“Những người bạn của tôi chia sẻ, họ buồn chán thế nào khi không được tiếp cận thông tin, kiến thức. Phải làm gì để giúp họ đây? Đó là suy nghĩ của tôi lúc đấy” - Toàn nhớ lại.

 

Thư viện điện tử dành cho người khiếm thị của Toàn ra đời từ những trăn trở đó. Sau khoảng 2 năm vận hành, Toàn đã kịp tạo ra một không gian tri thức có thể “nhìn ra thế giới” cho người khiếm thị.

 

Toàn chia sẻ, chỉ có tri thức là công cụ giúp người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng vượt lên nghịch cảnh cả về tinh thần và vật chất. Tri thức chính là thứ giúp người khiếm thị hòa nhập hơn, tự tin hơn với cộng đồng.

 

Hiện website của Toàn hiện có khoảng trên 500 bộ tài liệu đủ mọi lĩnh vực cho người khiếm thị.

 

“Quá trình khảo sát trước đó cho tôi nhiều dữ liệu quý giá. Tài liệu về tâm lý học, về các môn học trong ngành sư phạm được nhiều người khiếm thị muốn có nhất. Từ nhu cầu đó, tôi cùng các thành viên dự án tìm kiếm, tập hợp các tài liệu đó lên internet. Khi sử dụng sách điện tử, người khiếm thị sẽ có một công cụ hỗ trợ là phần mềm Jaws” - Toàn nói.

 

máy đọc chữ

Sản phẩm máy đọc sách dành cho người khiếm thị của Phúc đang gặp khá nhiều vấn đề nhưng bạn rất quyết tâm theo đuổi dự án. Ảnh: Hà Thế An.

 

Không chỉ là những sản phẩm công nghệ từ những người đồng cảnh ngộ, nhiều bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên cũng rất quan tâm, và có một tấm lòng với những người khuyết tật.

 

Với Phạm Hồng Phúc, học sinh trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, được làm những sản phẩm cho người khiếm thị là lúc bạn tìm thấy những giá trị riêng cho mình.

 

Phúc là tác giả của chiếc máy nghe rất lạ tai “máy đọc sách cho người khiếm thị”. Phúc và các thành viên nhóm đã sử dụng một camera như chiếc “mắt thần” để thu thập các thông tin văn bản trên sách và xử lý thành âm thanh.

 

Dù còn nhiều vấn đề bất cập như, camera chưa đọc hết trang sách, các lỗi về phần cứng… nhưng Phúc cho biết “em sẽ quyết tâm theo đuổi dự án này đến cùng”.

 

Lý giải chuyện này, Phúc chia sẻ, tham gia dự án UPSHIFT và làm các sản phẩm cộng đồng cho bạn nhiều thứ.

 

“Đó là được làm việc, trải nghiệm và học học bằng những khóa đào tạo của chuyên gia chỉ dẫn về kỹ thuật cho nhóm. Đó là hiểu được, muốn làm sản phẩm trước hết hãy làm khảo sát, nhu cầu của người dùng rồi, chỉnh sửa sản phẩm, rồi lại tiếp tục khảo sát. Làm như vậy đến khi sản phẩm hoàn thiện. Em nhận được nhiều thứ khi tham gia chương trình” - Phúc nói.

 

Ông Brian Desmond Cotter, Chuyên gia đổi mới sáng tạo của Unicef Việt Nam, cho biết đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với các dự án để có thể hỗ trợ các bạn hoàn thiện cũng như thương mại hóa sản phẩm.

 

“Thế mạnh của chúng tôi là các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng phát triển sản phẩm, khảo sát khách hàng... Ngoài ra, chúng tôi sẽ cùng kết nối với doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư phi lợi nhuận để hỗ trợ các dự án tìm kiếm vốn đầu tư, thương mại hóa sản phẩm” - ông Cotter nói.

 

Ngoài hai dự án nói trên, chương trình DEMO Day còn có phần giới thiệu của các dự án như: Vòng tay theo dõi và cảnh báo cơn co giật động kinh của nhóm học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Phương pháp giảng dạy cho giáo viên các trường hòa nhập có học sinh khiếm thị của nhóm sinh viên ĐH sư phạm TP.HCM; Thiết bị hỗ trợ cho người có nguy cơ bị tai nạn của một nhóm học sinh THPT...

 
 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi