Câu chuyện em Phạm Huy vừa đoạt giải ba cuộc thi Khoa học - kỹ thuật quốc tế 2017 tại Mỹ đã tạo hứng khởi với 240 ý kiến phản hồi, trong đó có nhiều kỳ vọng vào sản phẩm của Huy dành cho người khuyết tật.
Phạm Huy với cánh tay robot trước ngày đi Mỹ dự thi - Ảnh: Quốc Nam |
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của chị NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG -(giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù).
"Tôi rất phấn khích khi hay tin em Phạm Huy, học sinh lớp 11 ở Quảng Trị, đoạt giải ba cuộc thi Khoa học - kỹ thuật quốc tế 2017 tại Mỹ với sản phẩm chế tạo cánh tay robot dành cho người khuyết tật.
Ngoài tài năng của Phạm Huy, tôi còn nhận thấy ở em một điều đáng quý, đáng khâm phục là lòng nhân ái dành cho những người bất hạnh. Cậu học sinh con nhà nông ở miền quê nghèo Quảng Trị phải có tấm lòng thương yêu, thông cảm sâu sắc lắm với nỗi khổ của những người bị cụt tay mới có thể dành hết tâm huyết nghiên cứu và chế tạo một dụng cụ như vậy với mong muốn giúp họ đỡ vất vả hơn trong đời sống hằng ngày.
“Cánh tay robot” của Huy nhắc tôi nhớ lại câu chuyện hơn 20 năm trước khi tôi bị tai nạn giao thông cụt mất hai chân. Đang nằm trong bệnh viện, bỗng tôi thấy một anh bệnh nhân cứ đứng nhìn tôi chăm chăm rồi thốt lên rằng: “Bác sĩ ơi, cho tôi... đổi đi, cho tôi cụt hai chân như cô này đi!”.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh và hỏi tại sao anh lại có mơ ước... kỳ cục như vậy? Anh trả lời: “Anh ước được cụt chân như em thay vì cụt hai tay vì mai mốt gắn chân giả vô, em sẽ đi lại được bình thường. Cụt tay như anh khổ lắm, gắn tay giả cũng không làm gì được, muốn mặc áo quần, cầm chén đũa ăn cơm, bưng ly uống nước cũng không được, phải lệ thuộc vào người khác”.
Quả thật, khi đi được bằng chân giả, tôi đã hòa nhập với cuộc sống bình thường và luôn biết ơn, cảm phục những người đã phát minh, chế tạo ra những sản phẩm chân giả ngày càng hiện đại, hết sức tiện lợi cho chúng tôi.
Tôi luôn nhớ đến niềm ao ước lạ lùng nhưng nghĩ kỹ thì rất có lý của anh bệnh nhân 20 năm trước để thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Nhờ đó mà tôi không bao giờ oán trách số phận.
Nhưng trong tôi vẫn đau đáu một niềm xót thương những người bị cụt tay và mong muốn cho họ được sử dụng những loại tay giả thuận tiện, thoải mái như tôi đang đi bằng đôi chân giả này vậy.
Chứng kiến rất nhiều trường hợp các bạn trẻ bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông... cụt mất hai tay nhưng dù có cố gắng cách mấy, các chuyên gia vẫn chưa thể nào gắn cánh tay giả cho họ thực hiện được những sinh hoạt bình thường hằng ngày, tôi luôn thấy thật đau lòng.
Sản phẩm của em Phạm Huy đã hé mở một tia hi vọng cho những người bị khiếm khuyết đôi tay. Sự thành công của Huy khiến tôi ao ước có thêm nhiều sự đồng tình, ủng hộ để sản xuất những “cánh tay robot made in Vietnam” với giá thành rẻ, chất lượng tốt cung cấp cho những người khuyết tật đôi tay.
Tôi mong các cơ quan chức năng, các nhà khoa học sẽ hợp tác với nhau hoàn thiện sản phẩm này, sớm đưa vào sản xuất, giúp người khuyết tật có thêm cơ hội cải thiện chất lượng sống".
Nguồn: tuoitre.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Ứng dụng Seeing AI của Microsoft hỗ trợ người khiếm thị - 14/07/2017 03:06
- Google Maps cho phép cập nhật thông tin về lối đi dành cho người khuyết tật - 11/07/2017 03:09
- Nữ sinh viên tình nguyện dùng ngôn ngữ đặc biệt hỗ trợ thí sinh khiếm thính - 26/06/2017 02:55
- Thông báo: Đăng ký tham gia buổi gặp gỡ tư vấn của doanh nghiệp dành cho người khuyết tật - 26/06/2017 02:52
- Hãng cung cấp dụng cụ chỉnh hình Otto Bock chính thức khai trương công ty tại Việt Nam - 14/06/2017 03:32
Các tin khác
- Dự phòng trầm cảm: Cần rèn luyện cả thể lực, tinh thần - 12/05/2017 03:10
- Ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật - 11/05/2017 03:23
- Những bí ẩn trong 'nhà hàng bóng tối' tại Sài Gòn - 27/04/2017 03:29
- Người em của cặp song sinh Việt - Đức là giáo sư Đại học Hiroshima - 10/04/2017 07:09
- Chữa được bệnh Down? - 22/03/2017 06:47