Thứ năm, 03 Tháng 3 2022 09:49

 Việc đưa 03 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động đã đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của TP. Hà Nội nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến "trải nghiệm xanh", tiện nghi cho người dân Thủ đô.

Mới đây, TP. Hà Nội đã tổ chức khai trương 3 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP. Hà Nội cho biết, từ ngày 02/12-05/02/2022 (giai đoạn chạy 50% công suất và tối đa 20hk tại mỗi thời điểm trên xe), các tuyến xe buýt điện hoạt động ổn định, sản lượng hành khách có xu hướng tăng dần sản lượng hành khách bình quân 16-20 hk/lượt. Trong đó sản lượng vé lượt/lượt giai đoạn từ 02/12/2021-07/02/2022: 03 tuyến là 6,4 hk/lượt lên 7,3 hk/lượt trong giai đoạn từ 08/02-15/02/2022. 

Hiệu quả sau 3 tháng triển khai các tuyến buýt điện đầu tiên ở Hà Nội - Ảnh 1.

Xe VinBus là mẫu xe buýt điện thông minh đầu tiên của Việt Nam được Hà Nội chấp thuận mở tuyến. 

Theo ông Thái Hồ Phương, số lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến để đi lại trên các tuyến xe buýt điện bình quân 1 tháng đạt trên 107 hành khách, được đánh giá là khá cao. Tuy nhiên, hiện nay các tuyến xe buýt điện được đưa vào hoạt động trong thời gian tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp, do vậy, để bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, các tuyến xe buýt điện chỉ hoạt động với 50% công suất theo chỉ tiêu đặt hàng được duyệt.

Ông Thái Hồ Phương cho rằng, hiện nay, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên kèm theo với đó là cơ hội sở hữu phượng tiện cá nhân cũng nhiều lên, do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường thì việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là hết sức cần thiết. 

Theo ông Thái Hồ Phương trước mắt cần tập trung tăng cường tuyên truyền những lợi ích thiết thực của VTHKCC đối với người dân để người dân hiểu và sử dụng. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Thành phố khuyến khích người dân sử dụng VTHKCC như chính sách giảm giá vé, đi xe buýt miễn phí. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC để thu hút người dân sử dụng như: mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu Diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Ông Thái Hồ Phương cho biết, năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (06 tuyến xe buýt điện và dự kiến 11 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG). Nếu tính trong năm 2022, sau khi mở mới thêm 06 tuyến xe buýt điện, 03 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A (03 tuyến sử dụng xe CNG), 17 tuyến buýt mở mới (08 tuyến CNG) tổng số phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, xe buýt điện) là 375 xe (đạt 16,8% tổng số xe buýt trợ giá).

Đối với việc đưa các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch vào hoạt động, Trung tâm tiếp tục đóng vai trò là đơn vị tham mưu cho Sở Giao thông vận tải, Thành phố trong việc lựa chọn phương tiện và đơn vị để hoạt động trên các tuyến buýt đã được UBND Thành phố chấp thuận danh mục mở mới.