Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 09:57

 Những lùm xùm kéo dài ở quy mô lớn của Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông khiến cho dự án sau 11 năm triển khai, đã hoàn thành mà không thể đi vào vận hành. Trước thực tế đó, hôm 26/9, Thủ tướng cho biết ông đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT và Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho chạy tàu trước nếu tuyệt đối an toàn.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông 11 năm nay là nỗi "nhức nhối" trong danh sách dự án đầu tư công. Ảnh:TL

“Nếu đảm bảo tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu trước. Còn một số tồn tại sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị giải ngân vốn đầu tư công (26/9) tại Hà Nội.

Sốt ruột trước tình hình toàn bộ việc giải ngân vốn đầu tư công năm nay chậm trễ, chỉ đạt 38% kế hoạch sau 9 tháng đầu năm, Thủ tướng đưa một số ví dụ về cách thức giải quyết các dự án dùng vốn đầu tư công . Trong đó có dự án tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã đầu tư hơn 10 năm nay chưa thể đi vào vận hành.


Dự án này hiện đã có kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc sử dụng vốn đầu tư công phạm nhiều sai sót, kém hiệu quả, phải thực hiện 7 kiến nghị của kiểm toán. Trong đó có thu hồi gần 700 tỷ đồng giải ngân vốn ngân sách sai về cho Nhà nước. Tuy nhiên, xung quanh kết luận của Kiểm toán, Bộ GTVT vẫn còn những tranh luận với KTNN về việc thực hiện dự án có đúng Luật đầu tư công hay không.


Dự án này sau 11 năm đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn ODA của Chính phủ Trung Quốc đã đội vốn 205% nhưng “nằm” một chỗ vì thiếu nhiều cơ sở an toàn để đi vào vận hành, dù đã hoàn thành 99%.


Hồi tháng 6 vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ GTVT thừa nhận không thể đi vào vận hành trong năm nay do: tổng thầu chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm, chứng nhận an toàn hệ thống, chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng.


Thực tế hiện cả 5 tuyến đường sắt đô thị do Bộ GTVT, Hà Nội và TPHCM làm chủ đầu tư trong 11 năm qua đều chưa có dự án nào có thể đi vào khai thác. Tình trạng đội vốn gấp nhiều lần, chậm tiến độ gây hệ lụy rất lớn đến đời sống, hạ tầng của địa phương nơi có các dự án.