Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2030 với đề án phát triển vận tải công cộng, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030. Tổng kinh phí của đề án này lên tới hơn 375.000 tỷ đồng.
Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông với đề án phát triển vận tải công cộng, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030. Ảnh minh họa |
Theo tờ trình, Sở GTVT đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.
Các nhóm giải pháp trong đề án được đề xuất theo nguyên tắc "kéo - đẩy", đảm bảo hai nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn Thành phố đảm nhận 15-20% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5-26,6% và đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ tăng lên 29,3-36,8%.
Sở GTVT cho Báo Giao thông biết, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030).
Khi thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách tăng theo từng giai đoạn 2020-2025-2030, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm tương ứng.
Theo Sở GTVT, nếu đề án được thông qua, TPHCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm (Quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025-2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đến hệ thống vận tải công cộng đạt dưới 500 m.
Về kinh phí thực hiện đề án: Nguồn lực từ ngân sách sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, dự kiến khoảng 52.489 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 là 9.783 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 18.896 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 23.810 tỷ đồng.
Các nguồn lực khác từ xã hội hóa đầu tư hoặc vốn ODA (đầu tư phương tiện xe buýt, tổ chức xe đạp, xe gắn máy điện công cộng, vận tải hành khách đường thủy...), ngân sách (nghiên cứu cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch) dự kiến khoảng 322.920 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, một trong những khó khăn khi triển khai đề án kiểm soát xe gắn máy theo lộ trình đến năm 2030 là hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ xe khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ, nhà ga... do lượng khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự đồng thuận, chia sẻ với các giải pháp của đề án. Do vậy cần chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ khi thực hiện các giải pháp của dự án.
Tin mới
- Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Dự kiến giá vé thấp nhất 8.000 đồng/lượt - 04/03/2019 02:47
- Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ - 01/03/2019 02:23
- Giao thông Hà Nội trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được phân luồng thế nào? - 26/02/2019 02:59
- Yêu cầu kiểm tra ma túy với tất cả các lái xe trong vụ tai nạn nghiêm trọng - 22/02/2019 02:58
- Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông - 22/02/2019 02:54
Các tin khác
- Báo động văn hóa đi lại trên cao tốc - 20/02/2019 02:51
- TPHCM tổng kiểm tra sức khỏe toàn bộ tài xế kinh doanh vận tải - 14/02/2019 02:29
- Hoàn thiện Đề án bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa - 12/02/2019 02:52
- Dịp Tết Kỷ Hợi, tai nạn giao thông làm chết 183 người - 11/02/2019 02:42
- Kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm ATGT cho khách du lịch - 24/01/2019 03:07