Thứ sáu, 12 Tháng 10 2018 09:51

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 9 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng 11/10.

 
1

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khảo sát nhằm cải tạo các vị trí thường xảy ra tai nạn trên QL1 qua địa bàn - Ảnh: Quang Đạt

 TNGT giảm nhưng các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn còn

 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng năm 2018, TNGT tiếp tục giảm ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số người chết do TNGT chỉ giảm 1,83%. Còn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và 4 vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tại: Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam, Lai Châu làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản.

 

Khẳng định vấn đề quan trọng là cần làm gì để không tái diễn các vụ TNGT nghiêm trọng, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Đối với đường sắt, cần rà soát và bố trí gác chắn tại các đường ngang dân sinh phục vụ nhu cầu thực sự của người dân song song với việc kiên quyết đóng những đường ngang trái phép tránh tai nạn rình rập cho người dân. “Nếu cứ để như hiện nay, tai nạn xảy ra lại đổ cho ý thức người tham gia giao thông là không được”, Thiếu tướng Sơn nói.

 

"Ủy ban ATGT Quốc gia nghiên cứu xây dựng đề án kết nối hệ thống camera an ninh của các hộ dân, cơ quan, xí nghiệp. Trong đó, có yêu cầu các chủ đầu tư dự án đường cao tốc, cổng cơ quan, xí nghiệp, trường học phải lắp camera giám sát và về lâu dài kết nối hệ thống này như thế nào để phục vụ cho giải quyết ùn tắc giao thông, phạt nguội, đảm bảo an ninh trật tự, điều tra tai nạn, tội phạm."

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, TNGT đã đạt được 2 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là giảm hơn 5% về số vụ và số người bị thương, riêng chỉ tiêu số người chết chỉ giảm được gần 2%. Đối với TNGT đường sắt, tuy giảm cả 3 tiêu chí nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng, gây bức xúc lại xảy ra nhiều hơn. “Bộ GTVT đã xây dựng đề án đảm bảo ATGT trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong đó đưa ra giải pháp xử lý trên 5.700 điểm giao cắt với đường bộ”, Bộ trưởng thông tin.

 

Liên quan đến các điểm đen TNGT, nhất là đối với đường đèo dốc, Bộ trưởng cho  biết, Bộ GTVT sẽ có giải pháp đồng bộ xử lý mất ATGT tại đèo Lò Xo (Kon Tum). Bộ GTVT xem đây là giải pháp điển hình để xử lý đối với các đèo khác. Bộ trưởng đề nghị các địa phương và Tổng cục Đường bộ VN thống kê đầy đủ các đoạn đường đèo dốc thường xảy ra tai nạn để có thông tin đầy đủ về chiều dài, độ dốc, các yếu tố nguy hiểm để cung cấp cho lái xe lạ đường. Cùng với đó, sẽ có những giải pháp làm trạm dừng nghỉ, đường lánh nạn đảm bảo ATGT.

 

“Bộ GTVT ưu tiên số 1 là xử lý điểm đen TNGT, không chỉ điểm đen ở quốc lộ mà cả đường huyện, đường tỉnh. Các địa phương cần cùng với Bộ GTVT ưu tiên tập trung nguồn lực xử lý triệt để điểm đen TNGT vào giữa năm sau”, Bộ trưởng nói.

 

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, thiết bị giám sát hành trình được lắp trên ô tô hiện nay sẽ phản ánh toàn bộ hành trình của phương tiện. Cần phạt thật nghiêm xe chạy quá tốc độ, đi sai hành trình, xe lắp thiết bị nhưng lại không truyền dữ liệu về cơ quan quản lý vì các đối tượng này rất dễ gây tai nạn…

 

 

2

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi họp - Ảnh: Duy Trần

 

Xử lý triệt để điểm đen TNGT

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, chỉ tính riêng trong quý III đã có 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách tại Kon Tum, Quảng Nam, Cao Bằng và Lai Châu làm 34 người chết, tăng 11 người chết so với cùng kỳ. Ngoài nguyên nhân do lái xe chủ quan khi điều khiển phương tiện, ngủ gật, làm việc quá thời gian quy định còn nhiều nguyên nhân khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quản lý của chủ xe, chủ DN và cả ý thức của người dân. “Cần quy định bắt buộc hành khách phải thắt dây an toàn khi đi xe ô tô”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

 

Cho rằng việc xử lý các điểm đen TNGT, đường ngang dân sinh chưa làm quyết liệt, triệt để, đến khi xảy ra tai nạn mới đi tìm hiểu nguyên nhân, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành phải vào cuộc, huy động nguồn lực đến hết năm 2019 phải giải quyết dứt điểm các điểm đen TNGT.

 

“Kinh phí xử phạt để lại phải sử dụng đúng mục đích đảm bảo ATGT”, Phó Thủ tướng nói và chỉ đạo: Phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT gắn với tuyên truyền vận động theo các chuyên đề, trong đó phải tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải, lái xe vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, người điều khiển mô tô, xe máy không đội MBH. Các bộ, ngành liên quan có kế hoạch cụ thể kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về kiểm định phương tiện, xử lý điểm đen, cấp GPLX. Không để cứ họp đưa ra rồi không biết kết quả thực hiện thế nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Đối với xe máy, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là loại phương tiện có ưu điểm chi phí thấp, tiện lợi nhưng mặt khác cũng chiếm tỷ lệ cao trong các vụ TNGT do các hành vi nguy hiểm của người điều khiển. Do đó phải có giải pháp căn cơ, đảm bảo an toàn cho người đi xe máy.

Với loại hình “xe ôm công nghệ”, Phó Thủ tướng yêu cầu không thể để phát triển tự do như hiện nay. Bộ GTVT cần sớm nghiên cứu quản lý dịch vụ này, đồng thời phối hợp với Bộ Công an, KH&ĐT điều tra, nghiên cứu đảm bảo các điều kiện an ninh trật tự và ATGT cho loại hình vận tải mới này.