Thứ sáu, 06 Tháng 7 2018 10:04

“Vừa qua Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có gửi báo cáo kiểm điểm về cho Bộ nhưng Bộ chưa đồng ý với báo cáo này. Yêu cầu Tổng Công ty ĐSVN thực hiện kiểm điểm lại để có biện pháp xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu”.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu ngành đường sắt kiểm điểm lại.
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra sáng nay 5/7.

Phần lớn do lỗi của người tham gia giao thông đường bộ

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, ngành đướng sắt để xảy ra 143 vụ tai nạn, giảm 27 vụ (-15,9%) so với cùng kỳ năm 2017. Làm chết 67 người, giảm 8 người (-10,7%) và làm bị thương 104 người, giảm 17 người (-14%) so với cùng kỳ.

Vị trí xảy ra các vụ tai nạn do khách quan chiếm 138/143 vụ. Trong đó tại: đường ngang các loại 14 vụ (chiếm 10,1%), tại lối đi tự mở 77 vụ (chiếm 55,8%), tại dọc trên đường sắt 47 vụ (chiếm 34,1%).

Phân tích nguyên nhân, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho biết: “Về nguyên nhân chủ quan của 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua, Tổng Công ty cũng thẳng thắn nhìn nhận ý thức tự giác chấp hành và thực hiện các quy định, quy trình tác nghiệp chưa tốt, còn tình trạng tùy tiện, cắt xén quy trình, quy tắc của một bộ phận người lao động”.

Bên cạnh đó, công tác quản trị về lĩnh vực an toàn giao thông đường sắt tại một số đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ và chính quy. Chất lượng nhân lực lao động (cả về nghiệp vụ và ý thức nghề nghiệp) ở các đơn vị còn hạn chế, do chất lượng đào tạo, tuyển dụng, sự chuyển dịch.

Còn đối với những vụ tai nạn do nguyên nhân khách quan, ông Hoạch cho biết, nguyên nhân chủ yếu do người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy định của pháp luật khi đi qua giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Có hiện tượng người dân cố tình vượt qua đường sắt mà không chú ý quan sát, hoặc cố tình phóng nhanh, vượt ẩu qua đường sắt khi tàu đến gần dẫn đến bị tàu đâm va, cán, gạt…

Vị trí xảy ra tai nạn chủ yếu trên lối đi tự mở và dọc trên hành lang đường sắt chiếm đến 90% số vụ.

Các hành vi gây ra tai nạn chủ yếu là: do người đi bộ, nằm, ngồi trên đường sắt (67 vụ); đi xe máy, xe đạp (57 vụ); điều khiển ô tô qua đường sắt (16 vụ).

Tuyến đường sắt thường xảy ra tai nạn gồm: HN-TPHCM, Hà Nội –Hải Phòng.

Lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN thừa nhận: mặc dù các chỉ số đánh giá về an toàn giao thông đường sắt cho thấy có tiến bộ, giảm sâu trên cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa vững chắc, các vụ tai nạn do chủ quan không giảm sâu. Tai nạn do khách quan dù có giảm, nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao. Tai nạn giao thông đường sắt và sự cố uy hiếp đến an toàn do lỗi chủ quan vẫn xảy ra, đặc biệt là trong thời gian từ 24-26/5 vừa qua đã xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp (2 vụ đặc biệt nghiêm trọng, 1 vụ ít nghiêm trọng) gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản; tạo dư luận xã hội không tốt về ngành đường sắt.

Trung tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng nhìn nhận, đại đa số các vụ tai nạn đường sắt thời gian vừa qua là lỗi do người tham gia giao thông đường bộ.

“Mặc dù chúng ta nói nhiều đến hạ tầng đường sắt lạc hậu, cũ kĩ nhưng các vụ tai nạn nghiêm trọng của ngành đường sắt vừa qua lại do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành, không quan sát khi đi qua khu vực có giao cắt đường bộ-đường sắt”, Trung tướng Trần Sơn Hà cho biết.

Yêu cầu kiểm điểm lại ngành đường sắt

 

Trước tình hình trên, nhất là sau khi liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt xảy ra, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, ngành đường sắt đã thực hiện một loạt các giải pháp cấp bách nhằm phòng ngừa tai nạn, sự cố do lỗi chủ quan.

Cụ thể, tổ chức đợt cao điểm chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trong toàn Tổng công ty (từ 1/6 đến 31/8); tập trung bám sát hiện trường để lập lại kỷ cương trong việc thực hiện quy trình tác nghiệp; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu, du lịch (nếu có); giảm bớt các cuộc họp, hội nghị không cần thiết,...

Thành lập Ban Chỉ đạo của Tổng Công ty lập lại kỷ cương trong đợt cao điểm chấn chỉnh do Tổng giám đốc là Trưởng ban và 6 Phó Tổng Giám đốc trực tiếp theo dõi, chỉ đạo tại các tuyến, khu vực. Đồng thời kịp thời động viên, quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động ổn định tâm lý, đặc biệt là lực lực trực tiếp làm công tác chạy tàu.

Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc từ Hội đồng Thành viên, Ban điều hành, đến lãnh đạo các ban liên quan và người đứng đầu các đơn vị, các cá nhân liên quan đến các vụ tai nạn, sự cố chủ quan xảy ra thời gian qua.

Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến công tác an toàn. Theo đó, trong tháng 7/2018, Tổng công ty sẽ ban hành các quy chế, quy định mới về công tác an toàn nhằm phù hợp với Luật đường sắt 2017 và các Nghị định, Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2018.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn, các bất cập về phương tiện, thiết bị,… để lên phương án, báo cáo Bộ GTVT ưu tiên bố trí kinh phí trong duy tu, bảo trì, sửa chữa nâng cấp và có các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Tập trung thực hiện việc lắp đặt camera hỗ trợ công tác giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt tại các phòng trực ban chạy tàu ga, trên đầu máy, phòng gác chắn đường ngang.

Triển khai nghiên cứu thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như: Thiết lập hệ thống giám sát tập trung đối với hệ thống camera hỗ trợ giám sát các đường ngang, trên đầu máy; nghiên cứu trang bị hệ thống cảm biến rà soát, phát hiện chướng ngại trên đường sắt tại các đường ngang không bố trí người gác để có giải pháp dừng tàu kịp thời,...

Đối với việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt do khách quan, ông Hoạch cho biết, Tổng Công ty phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt và các địa phương tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT tại các lối đi tự mở, tổ chức cảnh giới tại lối đi tự mở không thể rào đóng, thu hẹp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; tiếp tục triển khai xây dựng gồ giảm tốc trên đường bộ trước khi đi qua đường sắt tại các giao cắt có phương tiện cơ giới đi qua; xử lý nghiêm các trường hợp phá hàng rào thu hẹp tại các lối đi tự mở; bố trí trực cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại các lối đi tự mở không thể xóa bỏ được đang có nhiều khó khăn do chưa có đủ nguồn lực về tài chính nên địa phương khó thực hiện.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương duy trì 270 điểm cảnh giới tại các lối đi tự mở, bố trí lao động cảnh giới tại 55 đường ngang biển báo có nguy cơ cao về an toàn giao thông đường sắt vào các đợt cao điểm vận tải. Đề nghị các địa phương triển khai giải pháp lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo tại các lối đi tự mở thay thế người cảnh giới.

Triển khai nâng cấp 100 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động đã được phê duyệt trong năm 2018.

Liên quan đến việc kéo giảm tai nạn giao thông ngành đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 4.000 lối đi tự mở gây mất an toàn giao thông đường bộ-đường sắt gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, Bộ GTVT đã xin ý kiến Chính phủ chỉ đạo các địa phương bỏ một phần kinh phí ra để tạo gờ giảm tốc, riêng với các đường quốc lộ thì nguồn kinh phí xây gờ giảm tốc sẽ lấy từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Đặc biệt, đối với việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu sau khi xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Vừa qua Tổng Công ty ĐSVN có gửi báo cáo kiểm điểm về cho Bộ nhưng Bộ chưa đồng ý với báo cáo này. Yêu cầu Tổng Công ty ĐSVN thực hiện kiểm điểm lại để có biện pháp xử lý nghiêm”.

Trước đó, mở đầu Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã nhận xét, việc để xảy ra nhiều vụ việc như trên, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Mới có Bộ GTVT xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vừa qua.