Thứ ba, 16 Tháng 8 2016 12:53

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH cùng các bộ ngành liên quan có giải pháp cụ thể, quyết liệt, kiên trì để thay đổi thói quen của người dân, nhằm đạt mục tiêu 90% dân số Việt Nam có BHYT, 50% người lao động có BHXH vào năm 2020.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể nhằm tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, BHXH. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam, chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong hệ thống an sinh xã hội mỗi quốc gia.

 

Kiên trì và quyết liệt

 

“Ở các nước có hệ thống an sinh tốt, BHYT và các loại hình BHXH cơ bản bao phủ tuyệt đại đa số người dân, người không tham gia chỉ là cá biệt. Còn với Việt Nam, hiện BHYT bao phủ được trên 79%, BHXH mới đạt 25% là quá thấp. Cái này liên quan đến cơ chế nhưng cũng liên quan đến cả thói quen của người dân. Dẫn đến tình trạng trong nhà chỉ có một người mắc bệnh nặng thì gia đình một người nông dân bình thường cũng có thể thành hộ nghèo, thậm chí cùng quẫn. Vì vậy, phát triển BHYT, BHXH là cuộc vận động, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng chúng ta làm hơi chậm và phải đẩy nhanh trong những năm tới”, Phó Thủ tướng nói.

 

Từ kinh nghiệm phát triển BHYT thời gian qua, Phó Thủ tướng khẳng định những giải pháp rất cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương có ý nghĩa quyết định.

 

Điển hình là lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của ngành y tế hướng tới mục tiêu các cơ sở y tế cơ bản tự chủ về tiền lương, phụ cấp sẽ có khoảng 11.000 tỉ đồng chi trả lương cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế dành để hỗ trợ cho đối tượng mua BHYT như nông dân, ngư dân nghèo, cận nghèo, và cả những người tham gia tự nguyện lần đầu, giúp người dân quen dần với việc mua và sử dụng BHYT.

 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết thêm sự tích cực của địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Cụ thể, lãnh đạo thành phố Hà Nội cam kết tiết kiệm chi tiêu để dành tiền cho các hoạt động an sinh xã hội, không chỉ hỗ trợ BHYT cho người nghèo, cận nghèo mà cả đối tượng là người lao động nặng nhọc, độc hại.

 

“Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang tiến hành mở rộng hệ thống đại lý phát triển BHYT như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, hội nông dân, bưu điện… để tăng đối tượng tham gia BHYT”, bà Minh thông tin.

 

“Người mua BHYT là dạng khách hàng đặc biệt nên các quy định về mặt hành chính thực sự không cần thiết trong BHYT cần và phải được bãi bỏ. Không thể có chuyện người muốn mua BHYT bị yêu cầu phải trình đủ mọi thứ giấy tờ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và  cho rằng mở rộng, bán thẻ BHYT như thế nào, quản lý ra sao là trách nhiệm của BHXH Việt Nam. Còn trách nhiệm của ngành y tế là để các bệnh viện phải khám chữa bệnh tốt hơn, thuận tiện nhất cả về chất lượng dịch vụ lẫn thái độ phục vụ tiến tới không phân biệt giữa người bệnh khám BHYT và khám dịch vụ.

 

“Nếu giải quyết được vấn đề này thì hệ thống  y tế sẽ có bước chuyển căn bản, trước hết là y tế cơ sở với một trong những chức năng được quy định là chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng...”, Phó Thủ tướng nói và nêu ví dụ “với việc lập lại chế độ sổ theo dõi sức khỏe, thực hiện chế độ khóa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, một bác sĩ, trưởng trạm y tế xã sẽ nắm được sức khỏe của người dân ở từng làng, từng xóm, biết ao nào bẩn, hồ nào sạch, thu nhập người dân ra sao”.

 

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét ngoài việc bán dịch vụ BHYT cơ bản thì phải mở ra thị trường BHYT cao cấp để phát triển thị trường bảo hiểm.

 

“Chúng ta đều nói tăng mệnh giá nhưng giá cơ bản tăng bao nhiêu, bán thêm những gói cao cấp, gói phụ như thế nào tôi chưa thấy các đồng chí trình cụ thể để bảo đảm cân bằng và phát triển quỹ BHYT”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 

Kết nối liên thông BHYT là kỷ cương

 

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế trong việc hoàn thành kết nối liên thông 14.000 cơ sở y tế trong việc giám định, thanh toán BHYT trên toàn quốc, Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người có thẻ  được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh tốt và chi trả bằng BHYT, hạn chế phải bỏ tiền túi khi khám chữa bệnh.

 

Từ phản ánh  của Phó Tổng Giám đốc BHXHViệt Nam Nguyễn Minh Thảovề việc một số cơ sở y tế chưa tuân thủ nghiêm túc việc kết nối, cập nhập thông tin vào Cổng thông tin giám định BHYT, Phó Thủ tướng cho rằng không thể đổ lỗi cho lý do có nhiều phần mềm nên không thể kết nối bởi chương trình tin học hóa không thay thế các chương trình, phần mềm tin học đang sử dụng trong các bệnh viện mà chỉ "trích xuất" số liệu phục vụ thanh toán BHYT.

 

Phó Thủ tướng đề nghị  BHXH Việt Nam xem xét việc ký hợp đồng, thanh toán BHYT đối với các cơ sở này và nhấn mạnh: “Suy cho cùng quyền thanh toán là của BHXH, người dân có quyền nghi ngờ là ngành y tế không công khai minh bạch. Để người dân không nghi ngờ, Bộ Y tế phải chỉ đạo, đây là vấn đề kỷ cương”.

 

Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường tập huấn, tạo thói quen cho cán bộ y tế trong ghi chép đầy đủ thông tin bệnh nhân phục vụ cho việc cập nhật lên cơ sở dữ liệu BHYT chung.

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phát triển BHXH không thể “bình chân như vại”

 

Về vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Phải có những giải pháp cụ thể không chỉ đối với những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cả lao động không có hợp đồng, lao động hộ cá thể để đạt được mục tiêu 50% số lao động tham gia BHXH vào năm 2020.

 

“Chúng ta vẫn chưa có chế độ, chính sách để các hộ cá thể cảm thấy bớt phiền hà hơn, có lợi hơn khi chuyển sang DN và đóng BHXH cho người lao động”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và gợi ý: “Vận động những lao động không có hợp đồng tham gia BHXH rất quan trọng, nhất là công tác chăm sóc khách hàng, giải quyết chế độ. Các đồng chí phải có giải pháp kỹ như chúng ta làm với BHYT”.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, ở trên quyết tâm cao, văn bản cũng ban hành rất đầy đủ nhưng làm sao hệ thống phải chuyển động đồng bộ từ trên xuống dưới, từ quyết tâm trên văn bản giấy tờ đến thực tiễn.

 

Đưa ví dụ về một số trường hợp bị tai nạn lao động nhưng mất không ít thời gian để giải quyết chế độ BHXH, ông Huân cho rằng những đối tượng đóng BHXH là đối tượng phục vụ, khi nào ở dưới DN không còn “kêu” thì lúc đó chính sách BHXH mới thực sự đáp ứng thực tế cuộc sống.

 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhìn nhận dù tất cả các địa phương đã được tập huấn đầy đủ, như nhau về thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT nhưng chỉ cần 1-2 địa phương không tích cực thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

 

“Ví dụ, nhóm chuyên gia trong tổ công tác về Nghị quyết 19 thì rất khen chuyển biến trong giao dịch BHXH ở Đồng Nai, Bình Phước nhưng đến Hải Phòng thì DN rất kêu”, bà Minh trao đổi và khẳng định BHXH Việt Nam quán triệt đầy đủ việc thuê dịch vụ trong ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính BHXH.

 

Lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tăng BHXH khó hơn rất nhiều nếu không có giải pháp linh hoạt. Các đồng chí phải xin được, đề xuất được cơ chế để phát triển, không chỉ tuyên truyền, vận động mà phải tri ân cả khách hàng. Người mua BHXH là khách hàng mà yêu cầu quá nhiều giấy tờ thì rất nhiêu khê, cải cách hành chính là ở chỗ đó thì mới nâng được tỷ lệ BHXH”.

 

Giảm thời gian giao dịch BHXH phải trên thực tế

 

Về mục tiêu giảm số giờ giao dịch BHXH ngang bằng với các nước ASEAN-4 với cuối năm 2016 là 49 giờ/năm và đến năm 2020 là 45 giờ/năm ngang với các nước ASEAN-3, lãnh đạo BHXH cho biết từ đầu năm 2016 đến nay cơ quan này đã rà soát toàn bộ thủ tục hành chính và giảm xuống còn 32 thủ tục;  Thành phần hồ sơ giảm 38%;  Các tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; Quy trình, thao tác thực hiện thủ tục giảm 54%.

 

Đồng tình với mục tiêu của BHXH Việt Nam đề ra, Phó Thủ tướng lưu ý vấn đề quan trọng nhất là việc giảm thời gian trên thực tế chứ không chỉ ở thông tư, quyết định.

 

“Đây là cuộc vận động rất bền bỉ, quyết liệt và liên tục. Chúng ta phải làm, vượt qua mọi trở ngại. Bảo hiểm là vấn đề rất lớn trong bảo đảm an sinh xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.

 

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi