Để tài liệu hóa mô hình hoặc cách làm sáng tạo nhằm khuyến nghị áp dụng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia Qiảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) giai đoạn 2016 - 2020, ngày 02/8, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Ailen, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Tọa đàm phát động “Hội thi phát huy sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua nội lực cộng đồng”. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi; Trợ lý Giám đốc UNDP Việt Nam Nguyễn Tiên Phong đồng chủ trì buổi Tọa đàm. Tham dự còn có đại diện Tổ chức phi Chính phủ; Doanh nghiệp; Hội đồng cố vấn kỹ thuật cùng các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đăng ký Hội thi.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc
Phát biểu khại mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 6 quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cùng các đại biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tham quan gian trưng bày sản phẩm của các đội thi
Những thách thức đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là cần phải thay đổi cách tiếp cận giảm nghèo theo tư duy mới và mang nhiều giá trị thực tiễn. Chương trình giảm nghèo cần đi vào thực chất hơn, chỉ nên là “chất xúc tác” để hỗ trợ cho cộng đồng trong quá trình phát triển của chính họ, chứ không phải là một “giải pháp” hay kênh cung cấp dịch vụ “có mục tiêu” như trước đây. Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Qua Hội thi này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm mong muốn sẽ tìm được các sáng kiến giảm nghèo bền vững của các tổ/đội/nhóm để làm mô hình điểm nhân rộng trên khắp cả nước.
Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi
Theo Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi, một bài học về giảm nghèo giai đoạn vừa qua cho thấy, địa phương nào cấp ủy quan tâm chỉ đạo, phát huy được vai trò của cộng đồng và chính người nghèo thì kết quả giảm nghèo ở đó đạt hiệu quả tốt. Chính vì vậy trong giai đoạn 2016 - 2020, khi thiết kế Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững cùng với việc tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nghèo, tạo khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân, hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo, quan tâm đến việc đổi mới cơ chế, cách làm thay vì hỗ trợ từ trên xuống bằng cách phân cấp, trao quyền cho địa phương, cho cơ sở và cho cộng đồng. Do đó, “Hội thi phát huy sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua nội lực cộng đồng” nhằm phát hiện và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, cách làm hay để từ đó, tạo sự tiên phong, lan toả trên khắp cả nước, đồng thời qua đó tiếp thêm nguồn tài nguyên mới cho người dân nông thôn và người nghèo, điều quan trọng hơn hết là khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo cộng đồng nơi họ sinh sống. Từ đó kích hoạt các nguồn nội lực hiện có và hình thành một tinh thần chủ động, để các đối tượng thụ hưởng có thể phát huy một cách hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Chị Trương Thị Thủy, dân tộc Mường, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) giới thiệu mô hình 2G (trồng gừng và gấc)
Đến với Hội thi, nhóm chị Trương Thị Thủy, dân tộc Mường, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) giới thiệu mô hình 2G (trồng gừng và gấc). Theo nhóm, việc trồng gừng và gấc nhằm mục đích cải tạo vườn, tận dụng các phế thải nông nghiệp và của gia súc để làm phân vi sinh bón cho cây trồng nhằm giảm thiểu ôi nhiễm môi trường. Thông qua Hội thi, nhóm mong muốn được hỗ trợ các kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng và sơ chế gấc (hiện nhóm đang làm bằng thủ công), thu hút được thêm các thành viên vào nhóm, cũng như nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh và có kỹ năng quảng bá sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi giới thiệu ông Nguyễn Quốc Văn - Giám đốc quản lý chuỗi thực phẩm 5S của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Nông thôn Trung ương Đoàn với đội tham dự Hội thi
Đại diện các tổ chức đối tác về các hoạt động hợp tác với Hội thi, ông Trần Văn Ơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược Khoa DK Pharma cho biết, Công ty DK Pharma đã đồng hành cùng các cộng đồng dân tộc Dao, Tày, Nùng, Thái, Sán, Mông, Giáy,... phát triển dược liệu theo phương châm "cùng thắng" mà không lấy mét đất nào của dân. Đến nay, Công ty đã hỗ trợ hình thành và phát triển 22 công ty cổ phần, HTX tại cộng đồng ở Quảng Ninh, Bắc Kan, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Báo, Sơn La. Điểm đặc biệt là tất cả các công ty và HTX này đều do thanh niên ưu tú của các dân tộc thiểu số điều hành, với nguồn vốn đa dạng hóa, trong đó chú trọng nguồn vốn của chính người dân, thông qua các hình thức đa dạng như góp đất, nguyên vật liệu, công lao động, tri thức truyền thống, tiền mặt.
Với tư cách là một nhà tư vấn kỹ thuật, Công ty DK Pharma sẵn sàng chia sẻ với Hội thi từ việc hình thành các HTX, huy động vốn theo hướng sử dụng nội lực, đến tìm kiểu nhu cầu thị trường, từ đó thiết kế sản phẩm phù hợp, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở sản xuất có thể đạt các tiêu chuẩn theo luật định... và sẵn sàng theo đuổi sau khi hội thi kết thúc và khi bà con có yêu cầu.
Ban Tổ chức trao “Giấy chứng nhận đồng hành cùng Hội thi” cho BTC, Hội đồng cố vấn kỹ thuật, tổ chức bảo trợ
Cũng tại buổi Tọa đàm, Ban tổ chức đã tổ chức các phiên song song kết nối đối tác và cố vấn kỹ thuật cũng như hướng dẫn, giải đáp câu hỏi của các đội thi, tổ chức bảo trợ để hoàn thiện hồ sơ dự thi .
Hội thi "Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng” I. Mục đích, ý nghĩa: Thí điểm để tài liệu hóa mô hình/cách làm sáng tạo nhằm khuyến nghị áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQG GNBV) giai đoạn 2016-2020 cụ thể: - Phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng (đặc biệt là các nhóm phụ nữ DTTS) trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững của môi trường, hướng tới sản xuất sạch để giảm nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng. - Thu hút, gắn kết, tăng cường và tôn vinh sự đóng góp, phối hợp giữa các tổ chức hội đoàn thể cấp trung ương và địa phương (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, cơ quan truyền thông, các cơ quan thực hiện hai CTMTQG, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ,… trong việc đảm bảo tính bền vững của các sáng kiến giảm nghèo bền vững tại cộng đồng. Các mô hình/cách làm sáng tạo trong giảm nghèo bền vững thông qua phát huy vai trò cộng đồng và kết nối với các nguồn hỗ trợ, nhu cầu thị trường sẽ cung cấp minh chứng, kinh nghiệm cho thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016-2020 (đặc biệt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo). II. Thể lệ 1. Đối tượng tham gia - Các tổ/nhóm hộ gia đình dân tộc thiểu số (ưu tiên nhóm có 70% thành viên là phụ nữ DTTS), đang cùng nhau thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh, có mong muốn/ sáng kiến phát triển các hoạt động SXKD hiện tại của tổ/nhóm để tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình và phát triển kinh tế cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. - Các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ các tổ/nhóm hộ phát triển ý tưởng và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ là bạn đồng hành và tham gia với vai trò đối tác hợp tác/hỗ trợ của tổ/nhóm hộ tham gia Hội thi. 2. Thời gian và hình thức tổ chức Hội thi 2.1. Thời gian: Từ tháng 7 đến hết tháng 12/2016. 2.2. Hình thức tổ chức a) Vòng 1: Đăng ký tham gia, chuẩn bị hồ sơ dự thi - Các tổ/nhóm điền thông tin vào mẫu Phiếu đăng ký tham gia. Nộp phiếu đăng ký tham gia về Ban tổ chức. Thời gian nhận đăng ký: Từ ngày 04/7/2016 đến trước 17h00 ngày 20/7/2016. - Các cá nhân, tổ nhóm, đơn vị, tổ chức đã đăng ký với Ban tổ chức sẽ được mời tham dự Sự kiện kết nối “Hội thảo phát động Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”, nghe giới thiệu thông tin, lập đội dự thi, tiếp thu hướng dẫn chuẩn bị Hồ sơ dự thi. Thời gian tổ chức cụ thể do Ban Tổ chức thông báo sau, dự kiến 01/8/2016 tại Hà Nội. - Các đội dự thi hoàn thiện và nộp Hồ sơ dự thi kèm theo Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh về Ban tổ chức. Thời gian nhận Hồ sơ dự thi: Trước 17h00 ngày 10/08/2016. b) Vòng 2: Sơ tuyển Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và triển khai kế hoạch được lựa chọn - Các đội thi chuẩn bị Hồ sơ dự thi đầy đủ theo yêu cầu được mời tham dự sơ tuyển, thuyết trình Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trước Ban giám khảo. - Thời gian và địa điểm tổ chức Sơ tuyển theo thông báo của Ban Tổ chức, dự kiến từ 25-27/8/2016 - Qua vòng Sơ tuyển, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn 10 đội thi có Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh khả thi nhất và có số điểm cao nhất để hỗ trợ kỹ thuật để triển khai kế hoạch và mời tham dự Hội thi chung kết. - 10 đội thi được chọn sẽ được hỗ trợ kỹ thuật để triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian 03 tháng (27/8 - 27/11/2016). - Các đội được hỗ trợ sẽ ký cam kết với Ban Tổ chức về việc triển khai đúng kế hoạch đề xuất, để có kết quả dự thi Hội thi Chung kết. c) Vòng 3: Chung kết Hội thi Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng - 10 đội thi được hỗ trợ tham dự Hội thi Chung kết sẽ thực hiện 2 phần thi: - Các đội thuyết trình “Kết quả triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh” trước Ban Giám khảo. - Các đội giới thiệu sản phẩm để nhận bình chọn của khán giả Hội thi (Với các sản phẩm có thể mang trực tiếp đến Hội thi, các đội sẽ trực tiếp giới thiệu tại Hội thi. Với các sản phẩm không mang đến được Hội thi, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ các đội thi ghi hình lại quá trình sản xuất sản phẩm để sử dụng giới thiệu tại Hội thi). |
Nguồn: molisa.gov.vn
Tin mới
- Người lao động nghỉ 3 ngày dịp Quốc khánh - 09/08/2016 03:57
- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thăm hỏi người dân vùng lũ Bát Xát, Lào Cai - 09/08/2016 03:48
- Tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo - 08/08/2016 06:35
- Thủ tướng khảo sát mô hình nông thôn mới tại Thái Bình - 08/08/2016 04:12
- Cộng đồng ASEAN: Một năm khởi đầu và kỳ vọng phía trước - 08/08/2016 04:08
Các tin khác
- Công bố tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 - 04/08/2016 04:17
- Tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị - 04/08/2016 04:03
- Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ mới tại phiên họp đầu tiên - 01/08/2016 07:15
- Từ 1/8, thêm 33 hành vi bị xử phạt vi phạm giao thông - 01/08/2016 02:45
- Danh sách dự kiến 18 nhân sự Thường vụ Quốc hội - 21/07/2016 07:23