Thứ tư, 01 Tháng 6 2016 13:00
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, sáng 30/5, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang đã gặp mặt 55 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt qua khó khăn, vươn lên học giỏi. Đây là sáng kiến của Bộ LĐ-TBXH chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức bắt đầu từ năm 2008 vào dịp 1/6 hàng năm nhằm tuyên dương trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiêu biểu cả nước. Cùng dự buổi gặp mặt còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...
 

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong những năm qua, tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,5 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, bên cạnh đó còn khoảng 2,5 triệu em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. “Để hỗ trợ cho nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em cũng như thúc đẩy quyền  tham gia của trẻ em. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực của đất nước còn hạn chế, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng đầy đủ quyền của mình...” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

 


Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần trò chuyện, thăm hỏi các em thiếu niên tiêu biểu

Chương trình Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương, động viên trẻ em đặc biệt khó khăn tiêu biểu được tổ chức từ năm 2008. Trong 8 năm, có 425 trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố cả nước, đại diện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo đạt nhiều thành tích cao trong học tập đã được biểu dương tại Phủ Chủ tịch.


Đáng chú ý, sau khi được Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương, động viên, các em nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân, đã viết thư cảm ơn Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH đồng thời hứa sẽ cố gắng vươn lên trong học tập, cuộc sống để trở thành công dân có ích cho xã hội. Thực hiện lời hứa của mình, rất nhiều em đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tích cao trong học tập...


Đó là em Nguyễn Minh Luân, SN 1994, trú tại ấp Thạnh Trị Thượng, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Em Luân sinh ra trong gia đình hộ nghèo, bản thân bị mù mắt trái, mắt phải bị cận nặng, nhưng 12 năm em đều là học sinh giỏi, năm 2012, Luân đã đỗ chuyên ngành lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân vân TP.HCM.


Đó là em Nguyễn Văn Chung, SN 1993 trú tại xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình Chung rất nghèo, bố bị bệnh nặng, bản thân em bị mù cả hai mắt nhưng suốt quá trình học, Chung đều là học sinh khá giỏi cấp huyện. Năm 2013, Nguyễn Văn Chung thi đỗ vào Đại học Huế.

 


Chủ tịch nước trao quà cho các em tiêu biểu tại buổi Lễ

Với Trần Lê Phước Tấn, SN 1993 trú tại thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gia đình cũng thuộc hộ nghèo nhưng em luôn vươn lên trong học tập, trở thành học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Năm 2011, Tấn thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, và hiện em đang du học tại Nhật Bản... và còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã nghị lực vượt khó vươn lên trở thành gương học tập giỏi.

 


Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi gặp mặt

“Tại các Chương trình gặp mặt của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH và các Bộ, ban ngành Trung ương, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp xúc, bày tỏ tình cảm, tâm tư của mình lên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Bản thân các em nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, bổn phận của mình, phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Tác động về mặt xã hội là rất lớn, không chỉ đối với các em, mà còn tác động tích cực đến nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, của nhà trường, của cha mẹ các em trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo đièu kiện để các em được thực hiện quyền của mình...” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.


Trong chương trình gặp mặt sáng 30/5, các em Nguyễn Đăng Khoa (TP. Hải Phòng) bị khiếm thị bẩm sinh hai mắt; em Nguyễn Tấn Hưng (huyện Nho Quan, Ninh Bình) mồ côi cha mẹ, bản thân bị bệnh nặng; em Phan Thu Trang (thị trấn Hát Lót, Sơn La) mồ côi cha mẹ đã kể lại với Chủ tịch nước và các cô, các bác dự buổi Lễ về thành tích trong học tập. Có một điểm chung của các em trong Chương trình này: Tất cả các em dù sinh ra trong hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mẹ mất sớm, nhưng đều nghị lực vươn lên học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi được bạn bè thán phục, học tập.

 

Chủ tịch nước và Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu các tỉnh, thành

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ xúc động trước những cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên học tập của  55 cháu thiếu nhi tiêu biểu. “Đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ...” - Chủ tịch nước biểu dương các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có nhiều đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian vừa qua.


Về những nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: Bộ LĐ-TBXH các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào các hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; chú trọng xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh; ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, dịch bệnh, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục củng cố hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp thực sự là cầu nối giữa những tổ chức cá nhân có tấm lòng yêu thương, giúp đỡ trẻ em với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tạo cơ hội cho các em được hòa nhập và phát triển.
 

Kết thúc buổi Lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hứa với Chủ tịch nước: Bộ LĐ-TBXH sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ban ngành, MTTQ Việt Nam, các hội đoàn thể xã hội... chăm sóc tốt hơn cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 thiết thực, hiệu quả và hướng tới việc sớm đưa Luật Trẻ em đã được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua vào cuộc sống.

 

Nguồn: molisa.gov.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi