Thứ năm, 08 Tháng 10 2015 14:30

Giá đôla trong ngân hàng chiều nay giảm hơn 200 đồng (gần 1%) so với buổi sáng, còn ngoài thị trường tự do, giá thu mua cũng xuống dưới 22.250 đồng.


Lúc 13h chiều 8/10, giá mua bán USD được các ngân hàng mạnh tay điều chỉnh giảm. Theo đó, mỗi đôla Mỹ thu mua tại Vietcombank chỉ còn 22.140 đồng, còn bán ra 22.240 đồng. Như vậy, so với đầu ngày, mức giá hiện thấp hơn 210 đồng, mức giảm khá lớn kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% hôm 28/9.

 

Cùng thời điểm, Eximbank đưa giá mua về dưới 22.130 đồng, thấp hơn Vietcombank 10 đồng. Thậm chí Techcombank còn đẩy giá mua vào xuống mức gần như thấp nhất thị trường, dao động 22.030 đồng, và nới rộng biên độ so với bán lên 40 đồng.

 

USD.nhandao
Mỗi đôla ngân hàng giảm hơn 200 đồng.


Cùng với sự đi xuống của giá USD trong ngân hàng, ngoài thị trường tự do giá cũng tiếp tục giảm. Lúc 13h ngày 8/10, các điểm thu đổi gần chợ Bến Thành, quận 1 (TP HCM) chào giá thu gom chỉ còn 22.250 đồng mỗi đôla, giảm trên dưới 100 đồng so với đầu ngày. Giá bán duy trì quanh 22.400 đồng, giảm hơn 500 đồng so với đỉnh cao 22.900 đồng của đầu tháng 9.

 

Trước đó, tỷ giá bắt đầu giảm sâu từ ngày 5/10 - ngày đầu tiên Thông tư 15 với những quy định siết chặt việc bán và hạn chế găm giữ ngoại tệ có hiệu lực. Thông tư này quy định doanh nghiệp và người dân phải xuất trình giấy tờ và chứng từ chứng minh mục đích, số lượng, thời hạn thanh toán. Căn cứ vào đó, ngân hàng mới bán và giao ngay ngoại tệ.

 

Bên cạnh đó, chỉ những doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán trong vòng 2 ngày mới được mua ngoại tệ giao ngay. Từ ngày thứ 3 trở lên, ngân hàng chỉ được phép bán ngoại tệ kỳ hạn.

 

Theo các chủ cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại TP HCM, diễn biến tỷ giá phụ thuộc rất nhiều vào lực cầu trên thị trường. "Lực cầu hiện giờ yếu hơn cung nên giá USD thu gom rớt khá nhanh", chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Lê Lợi, quận 1, TP HCM nói.

 

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, tỷ giá tăng trước đây chủ yếu do tâm lý, chứ nguồn cung không quá khan hiếm. Hơn nữa, tại Việt Nam hay có tình trạng cứ thấy giá USD tăng thì đổ xô đi mua, tạo ra sự khan hiếm giả tạo. "Nay Thông tư 15 với những quy định siết chặt việc bán và hạn chế găm giữ ngoại tệ có hiệu lực thì sẽ phần nào làm giảm sự tác động của yếu tố tâm lý này. Ngoài ra, chỉ cần nhà điều hành đưa ra định hướng rõ ràng như thời gian gần đây thì giá USD tất yếu hạ nhiệt", ông nói.

 

Đợt sốt tỷ giá cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ và sự kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất. Mặc dù giữa tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, đồng thời nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%. Quyết định kép hiếm có này xảy ra đúng một tuần sau khi biên độ tỷ giá đã được nới gấp đôi, từ mức +/-1% duy trì nhiều năm qua. Nếu tính cả hai lần tăng đầu năm thì tỷ giá trần đã tăng tới 5%, nhưng các ngân hàng vẫn cứ theo nhau niêm yết kịch trần 22.547 đồng. Trên thị trường tự do, có lúc giá lên 22.900 đồng.

 

Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng cơ quan quản lý và các bên thường nhắc tới chuyện đầu cơ làm giá vì cung cầu không biến động lớn. Ngân hàng Nhà nước sau đó liên tục khẳng định không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016, đồng thời đưa ra động thái hạ lãi suất tiền gửi USD, và sau đó là Thông tư 15 có hiệu lực..., từ đó giá USD trong ngân hàng và tự do liên tục sụt giảm cho đến nay.

 

Theo VnExpress

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Ngân hàng , tỷ giá giảm , USD

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi