TPP giúp Việt Nam gắn kết với khu vực phát triển năng động nhất của thế giới thế kỷ này, chiếm tới 40% GDP toàn cầu, song cũng tạo ra nhiều thách thức bởi xuất phát điểm của Việt Nam là thấp nhất trong khối.
Nền kinh tế toàn cầu vốn đang trì trệ đã có một cú hích vào ngày 5/10 sau khi lãnh đạo của 12 nền kinh tế hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Bao trùm các khía cạnh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu tư, cũng như các vấn đề về môi trường và lao động, TPP hứa hẹn mở rộng cánh cửa thị trường, tăng cường thực thi ứng xử thương mại, giảm quan liêu và bất ổn.
"TPP là kỳ tích lịch sử, là hiệp định thương mại thế kỷ đúng nghĩa của nó. Ma lực hấp dẫn của TPP trước hết chính ở tính thương mại - chiến lược. Hiệp định không những tạo ra một sân chơi bậc cao mà còn kiến tạo không gian cho cả các nước dù mạnh hay yếu nhất trong nhóm, cũng vẫn có thể cùng tham gia và được hưởng lợi, trong một khu vực phát triển năng động nhất. Đây là điều vượt qua thương mại và chính là một khía cạnh ý nghĩa chiến lược của TPP", ông Phạm Quang Vinh - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ với PV.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đánh giá TPP là kỳ tích lịch sử với ma lực hấp dẫn ở tính thương mại - chiến lược.
Nhìn vào lịch sử quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đánh giá TPP sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới sự phát triển của đất nước, thậm chí có thể mang lại ảnh hưởng tích cực hơn các hiệp định trước đây.
Trước hết, hiệp định dỡ bỏ phần lớn hàng rào thương mại, cho phép Việt Nam tiếp cận với thị trường chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, trong đó có những đối tác khổng lồ như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia... "Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước khi có sự thay đổi GDP cao nhất", ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới tính toán GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD tới năm 2025 nếu có TPP.
Các nước thành viên TPP cũng đang chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và theo VEPR, đầu tư của Việt Nam sẽ tăng ấn tượng, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ.
Ông Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cho rằng lợi thế nhân công giá rẻ vẫn được các nhà đầu tư ưa thích, do đó có khả năng FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu của hiệp định cũng khiến dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ thông tin khả quan hơn, bên cạnh ngành sản xuất - chế biến thực phẩm dự báo hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước.
Đặc biệt, với những cải cách mà TPP mang lại cho môi trường đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sắp tới sẽ có một sân chơi bình đẳng, nhiều cơ hội phát triển hơn. Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ví von TPP sẽ giúp doanh nghiệp "mở khóa" các thị trường mới rộng lớn.
"Hiệp định sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, TPP sẽ giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thông qua thặng dư thương mại với các thành viên, đặc biệt là Mỹ. Với các điều kiện như vậy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt sẽ phải tìm cách và biết cách nắm lấy cơ hội này", ông Vũ phát biểu.
Những thay đổi trong sản xuất kinh doanh cũng đem lại cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn hơn cho người lao động, trong đó ngành may mặc được đánh giá khả quan nhất khi nhu cầu lao động phổ thông và có kỹ năng tăng 40%. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa giá rẻ, mẫu mã phong phú, chất lượng, giúp giảm chi phí sinh hoạt. Các dịch vụ giá rẻ, phục vụ tốt cũng xuất hiện nhiều hơn do có nhiều nhà đầu tư vào cạnh tranh, đem lại phương thức quản lý mới.
Tuy TPP tạo ra cơ hội lớn như vậy, nhưng thách thức với nền kinh tế có mức thu nhập bình quân thấp nhất trong khu vực cũng không phải là nhỏ. "Khó khăn sẽ rất lớn. Cái rõ là Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt khi mở cửa, cả thị trường ngoài và trên sân nhà. Việc đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ hay môi trường, lao động cũng sẽ là thách thức lớn", ông Phạm Quang Vinh nêu.
Đầu tiên, Việt Nam sẽ gặp bất lợi từ việc giảm thuế quan với hàng hóa từ các nước đối tác. "Việc giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP là hệ quả chắc chắn và trực tiếp", Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế chia sẻ. Song, có ý kiến trong ủy ban cho rằng lượng thất thu từ thuế nhập khẩu không thật sự lớn bởi đa số các đối tác trong TPP đã có FTA với Việt Nam nên việc cắt giảm thuế đã diễn ra từ trước. Ngoài ra, việc giảm thu sẽ được bù đắp bằng nguồn khác, như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt khi dư địa thương mại được mở rộng, và theo thời gian, việc giảm thuế sẽ được bù đắp bằng việc mở rộng đối tượng nộp thuế và công tác thu tốt hơn.
Thứ hai, giảm thuế cũng gây nguy cơ cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trong nước và ngoại nhập, hệ quả tất yếu là thị phần hàng "made in Vietnam" bị ảnh hưởng. "Đây là thực tế đã từng xảy ra khi chúng ta thực hiện các FTA đã ký mà đặc biệt là ACFTA với Trung Quốc. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân và nông thôn", Ủy ban Tư vấn cho biết.
Nhưng đáng lo nhất là sự thích nghi của cộng đồng doanh nghiệp, vốn chủ yếu vẫn là nhỏ và vừa, và sự chuẩn bị còn hạn chế. Chủ tịch Công ty tư vấn hội nhập kinh doanh toàn cầu (GIBC) - ông Phạm Phú Ngọc Trai lo ngại về quy định TPP cấm sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, dẫn đến việc ngành công nghiệp sản xuất còn non trẻ tại các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty nước ngoài vốn có năng lực cạnh tranh tốt hơn.
"Ở Việt Nam hiện nay theo thống kê có khoảng 600.000 doanh nghiệp, trong đó 80% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phải chơi cùng một sân, dù là sân nhà hay sân khách với các doanh nghiệp đã tích lũy dày dặn về vốn, kiến thức, kinh nghiệm quản lý và ứng phó với sự thay đổi trên phạm vi khu vực và thế giới", ông bình luận.
Để khắc phục tình trạng này, chủ tịch GIBC cho rằng nền kinh tế Việt Nam cần hình thành những "đầu tàu" để tạo nên sức mạnh cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Đó có thể là những doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh, kinh doanh hiệu quả, hoặc các tập đoàn, công ty trong khu vực kinh tế tư nhân tập hợp đủ nguồn lực và sức mạnh cạnh tranh.
"Một việc cần làm cấp bách lúc này là tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện để nâng cao năng lực cạnh canh, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Nếu không, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tăng mạnh, đặc biệt đối với gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể khi hiệp định này có hiệu lực", ông Lương Văn Khôi cảnh báo.
Về thị trường lao động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan ngại năng suất thấp sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam khó cạnh tranh, bên cạnh luồng di chuyển nhân lực có chất lượng cao tự do hơn sẽ trở thành thách thức mới. "Điều tôi e ngại nhất tới đây là những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi nhiều sản phẩm nông sản đang tiêu thụ rất khó khăn như cao su, gạo...", bà nói.
Những yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng là áp lực "nặng ký" trong hoàn cảnh số vụ vi phạm còn lớn và các thiết chế bảo hộ thiếu hiệu quả. Việc bảo hộ chặt chẽ các quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ dẫn tới những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp khi phải bỏ vốn nhiều hơn cho sản phẩm công nghệ và người tiêu dùng có thể phải trả giá đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, đại sứ Phạm Quang Vinh nhìn nhận nếu vượt được qua những thách thức để đổi mới và tái cấu trúc, TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam bứt phá và đủ năng lực hội nhập sâu rộng hơn.
"Giờ thì không thể không khẩn trương bắt tay chuẩn bị, triển khai TPP. Trước hết là rà soát nội dung, phê chuẩn hiệp định, song hành với việc rà soát các nhóm cơ hội, thách thức và xây dựng giải pháp. Sẽ phải có những nhóm giải pháp khác nhau, về ngắn hạn và dài hạn; về luật pháp, chính sách; về xây dựng năng lực, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý công...", ông bày tỏ.
Theo VnExpress
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Dịch sốt xuất huyết đang rơi vào ngưỡng báo động đỏ - 07/10/2015 07:50
- Trần tình của cô giáo trói chân tay, nhét giẻ vào miệng trẻ - 07/10/2015 07:47
- Tuyển sinh đầu cấp sẽ triển khai qua internet - 07/10/2015 07:43
- Vụ bạo hành ở Quảng Bình: Chuyển 60 trẻ sang cơ sở khác - 07/10/2015 07:22
- Kẻ được - người mất trong TPP - 07/10/2015 07:16
Các tin khác
- Giá vàng lên đỉnh 2 tuần - 07/10/2015 03:49
- Nhà hàng bị sập ở Cần Thơ xây sai phép 2 lần - 07/10/2015 00:31
- Hàng trăm người tập trung ngăn cản phá bỏ đường dân sinh - 06/10/2015 03:21
- Cộng đồng phẫn nộ vụ bé trai bị đánh, trói, nhét giẻ vào mồm - 06/10/2015 03:01
- Kinh tế Việt Nam hứa hẹn cạnh tranh hơn nhờ TPP - 06/10/2015 02:47