Cô Phú mấy ngày nay nổi như cồn về khả năng chữa bách bệnh với phương pháp trèo lên người bệnh giẫm giẫm để tiêu tan đau đớn.
Bệnh gì cũng chữa
Gần cơ sở 'tẩm quất' của cô Phú (Phạm Thị Phú) ở xã Vinh Sơn (TP Sông Công, Thái Nguyên), các dịch vụ mọc lên như nấm. Quán ăn, quán nước giải khát, tạp hóa, nhà trọ... lố nhố ăn theo.
Nghe chúng tôi hỏi về cô Phú, ông Thạch - chủ hàng tạp hóa và cho thuê nhà trọ - kể lể:
'Ối giời, tài lắm. Tôi có đứa cháu câm điếc bẩm sinh. Bố mẹ nó đưa sang đây nhờ cô Phú chữa. Vài hôm sau, nó cầm điện thoại gọi về, mẹ nó tưởng ma, nhất quyết không chịu nghe nó nói chuyện'.
Ông Thạch say sưa kể thêm nhiều trường hợp mắc bệnh thập tử nhất sinh mà cô Phú vẫn chữa được:
'Con bé áo đỏ kia kìa, bị ung thư máu, nhà nghèo lắm, lên đây ở nhờ chữa bệnh 2 năm nay, sắp khỏi rồi. Giờ được cô Phú nhận vào làm nhân viên trong cơ sở'.
Cùng ngồi với chúng tôi là ông Thắng, quê ở Đan Phượng (Hà Nội) làm nghề vận tải đường sông, mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, vôi hóa cột sống, không thể đi bộ được đến trăm mét.
Sáng sớm, ông thuê xe ôm tìm đến tận nhà cô Phú để xin được chữa bệnh. Không may lại là ngày nghỉ của cô nên ông đành thuê một chỗ nằm qua đêm ở nhà ông Thạch với giá 15.000 đồng.
Mấy người thuê trọ nằm dài cạnh nhau, vật vờ cả ngày đợi ngày cô Phú làm việc. Ông Thạch vừa xoạch xoạch hút thuốc lào, vừa bảo ông Thắng:
Cô Phú đang dùng chiêu dẫm lên người bệnh nhân để chữa bệnh
'Bệnh của chú là bệnh dương, chữa ở chỗ cô Phú thì phải kết hợp chữa bằng thuốc nam. Tôi cũng bị như chú, không đứng nổi nhưng rồi tự chữa bằng bài thuốc gia truyền nhà tôi mà mấy năm nay chả làm sao nữa cả'.
Ngày nghỉ nên nhà cô Phú vắng tanh, chỉ có vài bệnh nhân trọ lại đang ngồi nói chuyện.
Chúng tôi chú ý đến 1 em bé gầy gò, chân tay sưng phù, đỏ lịm, yếu ớt như cái dải khoai trên tay mẹ. Mẹ cháu bé buồn bã kể:
'Cháu được 20 tháng tuổi, ở Hải Phòng, đang điều trị bệnh ung thư xương ở Viện Huyết học Hà Nội.
Chân tay cháu sưng thế này rất khó lấy ven, lần nào không tiêm được thuốc thì cháu đau đớn lắm, cứ ôm chân khóc.
Tôi biết bệnh của cháu không chữa được nữa, đưa cháu lên đây nhờ cô Phú giúp cho cháu bớt đau đớn thôi.
Cháu ở đây được 1 tháng rồi, vừa rồi tôi lại cho cháu xuống viện tiêm thuốc, tiêm được 2 ngày thấy các vết này bớt sưng nên tôi lại cho cháu lên đây'.
Cuối giờ chiều, 3 người đàn ông ăn vận tươm tất đi từ nhà trọ sang nhà cô Phú. Một anh người Tuyên Quang bảo:
'Chúng tôi sang lễ bên đấy đây. Tôi bị tê bì chân tay, nằm ở đây gần 1 tuần rồi. Tôi được cô Phú chữa cho mấy hôm rồi nhưng chưa thấy gì. Chắc còn phải ở đây lâu lâu nữa'.
Vừa tẩm quất vừa... hỏi bệnh
Quay lại nhà cô Phú đúng vào hôm cô làm việc, chúng tôi được chứng kiến cách chữa bệnh lạ lùng và có phần kỳ quái của người đàn bà này.
Cô Phú đang cầm mic 'dẫn chương trình' trước hàng trăm người đến xin chữa bệnh và để được cô soi (xem bói). Giọng cô nhẹ nhàng, truyền cảm:
'Hôm nay cô Phú không được vui vì có những nguồn tin trên mạng xã hội nói không tốt về cô. Cô làm trước là đúng với lương tâm của mình, sau là đúng với pháp luật.
Do lượng người đông nên cô tẩm quất tập thể bằng nhiều hình thức tay, chân và có giẫm. Nhưng một số báo đang viết là giẫm đạp khỏa thân.
Có ai ở truồng ở đây không các bác? Các bác có cần cô Phú không? Cô Phú nghỉ thì cô vui vẻ, còn các bác không được cô Phú giúp thì sao?
Còn nhiều người giúp được các bác mà đâu phải mình cô Phú. Các bác ơi, cô Phú sẽ làm mẫu cho các bác xem...'.
Hai bệnh nhân được cô Phú mời lên 'làm mẫu'. Một người đàn ông mắc bệnh hen suyễn và 1 người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú.
Người đàn ông cởi quần áo, chỉ mặc độc chiếc quần đùi vén tụt xuống đến nửa mông, còn người phụ nữ thì vén áo lên tận vai.
Cô Phú vừa vỗ vỗ bồm bộp, vừa xoa xoa vào người 2 bệnh nhân. Rồi cô 'nhoay' tay vào chỗ bị bệnh của họ, người thì được cô 'nhoay' vào cổ, người lại 'nhoay' vào ngực.
Cuối cùng cô trèo lên bàn, co chân giẫm vài giẫm lên lưng họ. Xung quanh có tiếng xì xào: 'Đấy, cô đang truyền năng lượng đấy'.
Trông vẻ mặt, thần sắc cô Phú vẫn không có vẻ gì thay đổi so với lúc cô dẫn chương trình trước đó.
Trong quá trình 'truyền năng lượng', cô Phú liên tục hỏi hai bệnh nhân: 'Cô làm thế này bác có thấy đỡ không?'. Hai bệnh nhân vui vẻ ra mặt: 'Cảm ơn cô, tôi dễ thở lắm, tôi thấy khỏe lắm'.
Dù cô Phú luôn miệng nói mình chỉ tẩm quất nhưng cách cô nói khiến ai cũng hiểu, cô đang dùng 'công lực' làm thuyên giảm bệnh tình cho những người bệnh khốn khổ, đau đớn của mình.
Sau khi làm ví dụ, cô Phú giao cho nhân viên mời lần lượt từng đoàn ở các tỉnh xếp hai hàng một nam, một nữ, không quá 20 người vào bên trong để cô tẩm quất tập thể cho.
Cách đây mấy ngày, cô Phú vẫn thực hiện việc vén quần áo để xoa và giẫm cho người bệnh ở ngoài sân lớn.
Nhưng hình như, những thông tin không hay tràn lan trên mạng xã hội khiến cô Phú không yên tâm, cô đã lặng lẽ tẩm quất cho người bệnh một cách kín đáo hơn.
Thấy chúng tôi giơ máy quay lên, mấy người đàn ông chỉ trỏ rồi cắt cử người ra 'xử lý', 1 người tiến tới với vẻ mặt giận dữ yêu cầu không được quay phim chụp ảnh và bắt chúng tôi phải đọc lại bảng quy định màu đỏ treo trước cửa.
Nhưng ngay sau đó, cô Phú lại làm mẫu cho 1 thanh niên đeo ba lô chụp ảnh rất chuyên nghiệp.
Vài phút sau, có đoàn người mang theo máy quay chuyên dụng tiến vào tác nghiệp mà không vấp phải bất kỳ một sự cản trở nào từ phía những người mặc đồng phục và cô Phú.
Xung quanh lại có tiếng xì xào to nhỏ: 'Họ là đoàn nhà báo lấy lại trong sạch cho cô Phú đấy'.
'Cứ thế là trèo lên người ta thôi'
Quá hoang mang trước tình trạng đông đúc, hàng trăm người ngồi chật kín cả một khoảng sân rộng và lạ lẫm với cách tẩm quất hỏi bệnh của cô Phú, chúng tôi đã tìm gặp người của cơ quan chức năng có liên quan.
Bác sĩ Phạm Quang Lưu - GĐ Trung tâm Y tế TP Sông Công (Thái Nguyên), cho biết:
'Trước đây, cơ sở của cô Phú nằm ở gần đây nhưng giờ cô ấy rút vào trong kia.
Cơ sở của cô Phú chỉ có giấy phép mở cơ sở tẩm quất, mát xa chứ không liên quan đến khám - chữa bệnh nên không thuộc quản lý của trung tâm.
Theo tôi được biết, giầy phép này là do Phòng Tài chính - Kế hoạch của thành phố cấp. Để mở cơ sở mát xa thì các nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề, mà để có chứng chỉ này chỉ cần đi học khoảng 1 tháng.
Ngày xưa, từng có những đoàn về xin phép thực hiện hết nghiên cứu này nghiên cứu khác nhưng không ra kết quả gì, nghiên cứu để kéo dài thời gian mà.
Cứ thế là trèo lên người người ta thôi. Cách này tôi không thấy có trong sách vở y học nào cả'.
Vấn đề là 'cứ thế là trèo lên người ta thôi' để chữa bách bệnh nhưng trên thực tế, chuyện hoang đường như thế này đã ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà Thanh tra Sở Y tế và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn chưa vào cuộc.
Theo Lao động
Tin mới
- Kiếm cả triệu đồng trong buổi sáng nhờ… đường ngập - 16/09/2015 09:18
- Việt - Trung tái cam kết không làm phức tạp tình hình Biển Đông - 16/09/2015 07:43
- Cháy chợ giữa đêm mưa tại Huế - 16/09/2015 07:37
- Xe thang giải cứu người kẹt ở đám cháy chung cư 35 tầng - 16/09/2015 07:31
- Hai phương án điều chỉnh lương hưu - 16/09/2015 07:25
Các tin khác
- Giám sát chặt chẽ, không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch - 16/09/2015 04:03
- Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Thanh niên ASEAN 2015 - 16/09/2015 03:19
- Lạm thu đầu năm học: Muôn “chiêu” đóng góp kiểu...thoả thuận! - 16/09/2015 02:24
- Đóng đường lên Núi Cấm vì lở đá - 16/09/2015 01:23
- Đức Pháp Vương trở lại Việt Nam vào ngày hòa bình thế giới - 16/09/2015 01:11