Phi công và các nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.
Đây là nội dung đáng chú ý nhất trong Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác bay mà Bộ GTVT vừa ban hành, có hiệu lực từ 1/10/2015.
Theo đó, nhân viên hàng không trình độ cao (bao gồm thành viên tổ lái, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên, nhân viên điều độ, khai thác bay) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động, bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.
Quy định mới "siết" chặt hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của phi công đối với hãng bay
"Nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động và các thoả thuận liên quan. Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nhân viên hàng không trình độ cao được chuyển đổi người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay theo quy định của pháp luật sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định; Có hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay hoặc tổ chức bảo dưỡng tàu bay mới" - Thông tư 41 nêu rõ.
Giải thích về vấn đề trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ GTVT - cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư 41 cho biết, do đặc thù ngành đang đặt ra yêu cầu phải siết chặt quản lý nhân lực hàng không trình độ cao để đảm bảo an toàn bay và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, Bộ GTVT đã xin ý kiến các tổ chức, cá nhân và các cơ quan liên quan như Bộ Lao động, Bộ Tư pháp...
"Quy định kể trên không hề trái Bộ luật Lao động vì Điều 37, 38 của Bộ luật này chỉ quy định thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và người lao động khi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là ít nhất 45 ngày chứ không quy định thời gian tối đa".
Việc quy định thời hạn báo trước trên mức tối thiểu của Bộ luật Lao động nhằm điều chỉnh nguồn lực lao động trình độ cao trong ngành hàng không là phù hợp và đồng bộ giữa hệ thống pháp luật về lao động và hệ thống pháp luật chuyên ngành về hàng không dân dụng" - lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định.
Giải thích thêm về quy định này, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, tổng thời gian tối thiểu để một phi công mới được thuê có đủ khả năng làm việc ổn định, đáp ứng yêu cầu của nhà khai thác mới vào khoảng 4 tháng - tương đương 120 ngày. Đây cũng là lý do thông tư mới đưa quy định này vào.
Theo Dân trí
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Ảnh hưởng không khí lạnh, miền Bắc có mưa giông rải rác - 12/09/2015 00:56
- Vé tàu Tết được bán qua mạng từ tháng 10 - 12/09/2015 00:41
- Loa phường đúng là... “ốm không tha, già không thương”! - 12/09/2015 00:38
- Quảng Bình: Ưu tiên cán bộ, “ém” tiền dự án hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất - 12/09/2015 00:35
- Nổ lớn trong ngôi nhà ở ngõ Thông Phong, ít nhất 1 người tử vong - 11/09/2015 14:14
Các tin khác
- Quảng Nam “xin” Thủ tướng 100 tỉ để chống sạt lở - 11/09/2015 13:55
- 5 người bị xem xét kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực - 11/09/2015 07:08
- Bên trong 8 ngôi mộ cổ vừa được giải mã ở Sài Gòn - 11/09/2015 04:11
- Vàng SJC tăng giá, đôla giảm nhẹ - 11/09/2015 02:41
- Thực phẩm giảm theo giá xăng - 11/09/2015 02:32