"Quan điểm của Sở GTVT là không cấp phép cho một trường hợp nào bán bánh trung thu trên vỉa hè. Trường hợp nào các quận, huyện đã cấp thì chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố cho phép giải tỏa", ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Ngày 21/8, Sở GTVT Hà Nội thông tin cụ thể việc kiểm tra, xử lý giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hè, đường kinh doanh buôn bán. Đặc biệt, trong thời gian tới, thanh tra Sở GTVT sẽ tập trung xử lý nghiêm các trường hợp lập lều lán buôn bán bánh trung thu.
Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, trong dịp kỷ niệm 70 Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh 2/9, lượng du khách về thành phố rất đông, do vậy vấn đề giao thông diễn ra rất "nóng". Vì vậy, các cấp ngành của thành phố như Sở GTVT, Công an thành phố đều có những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông.
Phó Giám đốc Sở GTVT yêu cầu xử lý nghiêm các lều lán bán bánh trung thu trên vỉa hè
Trong dịp này, Sở GTVT cũng quyết liệt xử lý và giải tỏa triệt để các trường hợp lấn chiếm vỉa hè buôn bán kinh doanh. "Hè phố phải dành cho người đi bộ chứ không được buôn bán, kinh doanh kiếm lời. Còn đã buôn bán, thì phải có cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở giao dịch để cơ quan chức năng quản lý", ông Nguyễn Xuân Tân nói.
Ông Tân cũng khẳng định năm nay, Sở GTVT không cấp phép bất cứ trường hợp nào bán bánh trung thu trên vỉa hè. Tại cuộc họp ông Tân cũng yêu cầu Thanh tra Sở GTVT nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện bất cứ giấy phép cho bán bánh trung thu trên vỉa hè thì phải xem rõ ai ký để xử lý trách nhiệm.
"Những trường hợp không có giấy phép vẫn bán bánh trung thu trên vỉa hè thì đương nhiên phải xử lý. Còn những ki ốt, quá trình kiểm tra mà họ có giấy phép do quận, huyện cấp thì phải xác nhận rõ địa chỉ, tập hợp báo cáo thành phố cho phép giải tỏa", ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nêu rõ quan điểm.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định tình hình dựng lều lán buôn bán bánh trung thu trên vỉa hè thành phố năm nay có giảm rất nhiều so với năm ngoái. Ông Tân yêu cầu Thanh tra Sở GTVT phải ra quân xử lý triệt để những trường hợp còn tồn tại.
"Các cơ sở sản xuất, buôn bán bánh trung thu thì phải có cửa hàng đơn vị tiêu thụ. Còn bày bán trên vỉa hè, rất khó xác định nguồn gốc nên nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì rất khó xử lý", ông Nguyễn Xuân Tân nói thêm.
Theo Sở Công thương Hà Nội hiện nay mạng lưới hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố đã cơ bản đáp ứng được giao dịch mua bán hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh của nhân dân.
Do vậy, Sở Công thương cho rằng, các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh trong dịp Trung thu tới phải có địa điểm theo quy định để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.
Sở Công thương đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét không chấp thuận bố trí cho các doanh nghiệp được trưng bày và bán hàng trên vỉa hè để đảm bảo tốt công tác an toàn giao thông và quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại.
Theo Dân trí
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Cảnh sát trẻ lao xuống hồ Xuân Hương cứu người phụ nữ - 21/08/2015 09:33
- Vụ bục nước lò than: Chưa xác định được vị trí nạn nhân mắc kẹt - 21/08/2015 09:19
- Lũ tràn quốc lộ, cuốn trôi một người ở Sơn La - 21/08/2015 08:56
- Khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt tăng giá gấp bốn - 21/08/2015 08:09
- Giá vàng lại vượt ngưỡng 35 triệu đồng, đôla tiếp tục tăng - 21/08/2015 08:01
Các tin khác
- Hàng chục tấn mỹ phẩm "hết đát" khiến cả khu dân cư khốn khổ - 21/08/2015 03:36
- Hơn 1.500 khách bị từ chối nhập cảnh Singapore, Vietjet “cầu cứu” - 21/08/2015 03:26
- Phó thủ tướng bức xúc khi nghe chuyện doanh nghiệp bị 'hành' - 21/08/2015 01:19
- Thủ tướng yêu cầu TP HCM giải quyết ngập nước - 21/08/2015 01:11
- Bi hài ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển - 21/08/2015 01:07