Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 20:37

Chỉ còn hai ngày nữa đợt xét tuyển đầu tiên vào đại học, cao đẳng sẽ kết thúc, hàng nghìn thí sinh và người nhà lo lắng, đôn đáo tìm trường có khả năng đỗ để nộp hồ sơ.

 

Sáng 19/8, tại Đại học Giao thông Vận tải, hàng trăm thí sinh, phụ huynh ngồi rải rác ở khu vực tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Cầm tờ thông báo mức điểm chuẩn đến chiều 18/8, ông Nguyễn Văn Thanh (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, vừa chạy xe từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sang. Con trai ông thi được 21,5 điểm, nguyện vọng 1 là vào Học viện Hậu cần, nhưng khó đỗ nên định chuyển sang Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

 

Không ngờ vừa vào phòng đào tạo của Học viện, cán bộ tuyển sinh cho biết điểm chuẩn dự kiến ngành mà con trai ông thích đã lên tới 23,5. Vậy là hai bố con lại lên xe di chuyển sang Đại học Giao thông Vận tải. "May nhà tôi cách Hà Nội chỉ vài chục cây số, chứ nếu xa thì không biết sẽ vất vả thế nào", ông Thanh nói.

 

Nuoc rut.nhandao
Thí sinh nộp hồ sơ tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: H.T.


Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thí sinh Lê Thị Bích Huyền (Thanh Hóa) được 23,5 điểm cùng hàng trăm người khác đang chờ nộp hồ sơ. Em cho biết mấy hôm trước nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế quốc dân ngành Kế toán nhưng đến ngày 17/8 thì bị bật ra khỏi ngưỡng an toàn. Vì thế em quyết định rút hồ sơ về nộp tại Học viện.

 

Dù Bưu chính có ngành Kế toán, nhưng Huyền quyết định thay đổi ngành học, ưu tiên số 1 của em là Kỹ thuật điện tử, số 2 là Công nghệ thông tin và số 3 mới đến Kế toán. "Ban đầu em nghĩ con gái sẽ hợp với Kế toán hơn nhưng giờ thấy học kỹ thuật cũng được. Hơn nữa, mục tiêu của em là đỗ vào đại học nên bây giờ ngành yêu thích không còn là ưu tiên số 1 nữa", Huyền chia sẻ.

 

Phạm Quốc Hải lại cùng mẹ đến Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông rút hồ sơ. Được 23 điểm khối A1, thấy cơ hội ở Học viện vẫn bấp bênh nên Hải quyết định rút hồ sơ để nộp vào một trường trong TP HCM qua hệ thống điều chỉnh nguyện vọng tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

 

Không chỉ Hải, nhiều thí sinh khác tại Hà Nội cũng đến rút hồ sơ để nộp vào các trường trong TP HCM. Theo những em này, điểm chuẩn khu vực phía Nam bao giờ cũng thấp hơn phía Bắc nên thí sinh có điều kiện sẽ tìm cơ hội ở trong đó.

 

Tại Học viện Ngân hàng, chiều 19/8, khu vực nộp hồ sơ gồm cả khoảng sân trường rộng và 2 hội trường nhỏ đông nghẹt thí sinh, phụ huynh. Khuôn mặt ai cũng tỏ rõ sự lo âu, căng thẳng. Tạ Quỳnh Trang (THPT Lý Thái Tổ, Bắc Ninh) cho biết, với 23,5 khối D em đăng ký vào ngành Kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, nhưng bị thấp hơn điểm chuẩn dự kiến nên rút hồ sơ chuyển sang Học viện Ngân hàng.

 

Trước khi đến làm thủ tục đăng ký xét tuyển, Trang tự tin sẽ đỗ vì dự kiến điểm đầu vào của ngành Kế toán thấp hơn điểm thi của em 1,75. Tuy nhiên, giờ đây nữ sinh lại hoang mang. "Hôm nay có nhiều thí sinh đến Học viện Ngân hàng nộp hồ sơ quá. Em sợ lại giống như Đại học Kinh tế quốc dân, các bạn cứ nộp ồ ạt rồi điểm chuẩn lại bị tăng", Trang chia sẻ.

 

"Mấy ngày nay cả nhà cứ như ngồi trên đống lửa vì thấy tình hình tuyển sinh các trường đều rối ren. Con tôi nộp hồ sơ vào đây hy vọng là đỗ, chứ mai vẫn phải chạy vòng vòng các nơi rút - nộp hồ sơ nữa thì cực quá", một phụ huynh quê Nam Định than thở. Ông tâm sự, việc đi về nộp - rút hồ sơ cho cậu út còn khiến gia đình tốn kém hơn những năm trước đưa con lớn đi thi đại học.

 

Nuoc rut01.nhandao
Thí sinh làm thủ tục tại Học viện Ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang.


Cán bộ tư vấn tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, hiện nay nhiều thí sinh tìm đến bàn tư vấn không còn hỏi xem ngành này, ngành kia học thế nào, ra trường làm gì, mà chỉ để hỏi với điểm thí sinh có thì ngành nào cơ hội trúng tuyển cao nhất.

 

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí, Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hôm nay số lượng thí sinh đến làm thủ tục xét tuyển rất đông. Hiện trường nhận khoảng 7.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 3.500. Hôm qua có 500 hồ sơ rút đi thì số nộp vào là 420. Trường cập nhật số liệu hàng ngày, in danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời cho từng nguyện vọng. Những em mất an toàn hoặc trượt khỏi danh sách sẽ rút.

 

Theo ông Long, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn tạm thời của từng ngành trong mấy ngày vừa rồi để nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn dự kiến liên tục tăng, chứ không hạ. "Trước đây 3 ngày điểm chuẩn dự kiến tăng 0,5 thì hiện nay chỉ một ngày đã tăng 0,5 điểm. Học sinh hiện nay hầu như cảm tính, mục tiêu số 1 là vào đại học, số 2 mới là chọn ngành", Trưởng phòng Khảo thí chia sẻ.

 

Ông Long cho biết, để tiếp nhận và trả hồ sơ nhanh nhất, trường đã bố trí 12 bàn cán bộ làm việc, kèm một đội ngũ bảo vệ và sinh viên tình nguyện phân luồng. "Những ngày đầu thầy cô rảnh rang, nhưng sau đó thì không lúc nào ngơi tay. Nhà trường vất vả nhưng lại tuyển được những thí sinh điểm cao. Đó là mong muốn của nhà quản lý, vì vậy vất vả với chúng tôi chưa là gì", ông Long nói.

 

Trưởng phòng khảo thí của Đại học Giao thông Vận tải cũng lo lắng, trong ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, số lượng thí sinh sẽ rất đông. Theo quy định của Bộ Giáo dục, 17h ngày 20/8 thời gian sẽ kết thúc. "Tôi đã tính đến trường hợp, nếu 16h59 thí sinh vẫn còn xếp hàng nộp hồ sơ thì chúng tôi sẽ cho tất cả các em vào một phòng, tính thời điểm các em đến trường trước 17h, và thu hồ sơ cho đến khi hết", ông Long cho hay.

 

Theo VnExpress

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi