Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 08:17

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đới với xe máy từ ngày 1/1/2016 và sửa nghị định để bỏ thu phí xe máy.

 

Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ đồng thời gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính thừa nhận việc thu phí đường bộ với xe máy gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao.

 

Cụ thể, Bộ Tài chính nhận định: thực tế việc triển khai thu phí đối với môtô (gồm môtô và xe máy) gặp nhiều khó khăn do: môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng.

 

Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.

 

Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với mô tô kể từ ngày 1/1/2016.

 

Trước đó vào tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô từ ngày 1/1/2016.

 

Điều đáng nói, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/7, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cho biết: "Nếu dừng không cho thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thì gánh nặng lại đè lên ngân sách địa phương.

 

Từ đó, địa phương phải có bài toán cân đối về ngân sách làm sao cho hiệu quả và hợp lý. Bởi vì, thực chất có nhiều tỉnh, thành phố triển khai việc thu phí rất tốt, nên nó đóng góp một phần tài chính không nhỏ trong việc tu sửa, xây dựng đường địa phương".

 

HBT- TS35

Bộ Tài chính đề nghị dừng thu phí đối với xe máy

 

Thế nhưng, điều quan trọng, theo ông Huyện chia sẻ, thì hiện nay, Bộ GTVT chỉ kiến nghị dừng thu phí, còn việc dừng thu phí hay tiếp tục thu phí, bỏ hình thức thu phí này hay không phải do Bộ Tài chính quyết định.

 

Như vậy, cho đến nay, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đều đã đồng lòng với việc sẽ dừng thu phí đường bộ đối với xe máy.

 

Tuy nhiên, về các địa phương thì dù đã đưa ra quyết tâm sẽ không thu phí nhưng thực chất UBND các tỉnh vẫn tiến hành thu.

 

Tiêu biểu nhất, liên quan đến việc thu phí này TPHCM là địa phương có phản ứng gay gắt nhất. Cụ thể, trong kỳ họp quốc hội, sau khi chất vấn thẳng Bộ trưởng Thăng, ngày 20/6, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP khẳng định, nhất định HĐND TPHCM sẽ áp dụng mức thu bằng 0 đồng.

 

Thế nhưng, bên lề kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa VII, bà Tâm lại đưa ra quyết định: "Trung ương mới chỉ kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy nên TPHCM vẫn sẽ phải thực hiện việc thu phí, dự kiến sẽ thu phí từ ngày 1/7 tới".

 

Trong khi đó, là một thành phố lớn có 4,5 triệu xe máy, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, tiền thu được từ phí bảo trì xe máy chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, nếu ngừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy cũng không ảnh hưởng lớn nguồn vốn mà thành phố vẫn đang phải chi trả.

 

Thế nhưng, ngày 6/7, bên hành lang kỳ họp 13 HĐND TP Hà Nội, Tân Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Dù gặp nhiều khó khăn trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy, nhưng UBND TP Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để thực hiện chủ trương này một cách nghiêm túc nhất".

 

Trước đó, ngày 7/7, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, các đại biểu đã nhất trí biểu quyết thông qua việc tạm dừng thu phí giao thông đường bộ trên địa bàn TP Đà Nẵng kể từ ngày 7/7. Còn Chính phủ có ý kiến như thế nào đó thì tính sau. Thế nhưng, địa phương này vẫn chưa có thông báo chính thức về việc dừng thu phí.

Theo Đất việt

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi