Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đạt nhiều kết quả ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung
Tham gia ý kiến thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ.
Các đại biểu cho rằng trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%...
Trong bối cảnh khó khăn, đây là những kết quả hết sức ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ; dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.
Đáng chú ý, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đánh giá, với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, kinh tế xã hội Việt Nam 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực.
GDP 9 tháng ước đạt 6,82%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và đặc biệt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động, sau 3 năm không đạt thì 9 tháng đầu năm 2024 đã vượt kế hoạch.
"Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị… Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Trong đó kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp các thách thức toàn cầu; xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn; lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định… là những thành tựu hết sức đáng ghi nhận", đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) phát biểu.
đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định)
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nhận định, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành quyết liệt, linh hoạt, định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng có đột phá rõ rệt.
"Tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước đến nay là hơn 2000 km; rút ngắn thời gian hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sắp trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; chuyển đổi số trong đó có Đề án 06 đã giúp giảm các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu…", đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu rõ.
Cần cơ chế đặc thù giúp người dân ổn định cuộc sống sau bão lũ
Nêu ý kiến tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong phòng chống thiên tai; đồng thời đề nghị có chính sách đặc thù giúp người dân vùng ảnh hưởng của bão ổn định cuộc sống.
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nhắc lại việc bão Yagi đi qua với sức tàn phá nặng nề, bão đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hình ảnh những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy, những căn hộ, khách sạn mở cửa miễn phí đón người dân vào trú bão, bà con ở chùa Hương chèo đò xuyên đêm để cứu trợ cho người dân, đồng bào miền Nam, miền Trung ruột thịt xuyên đêm chế biến thực phẩm, gói ghém hàng hóa để gửi cho đồng bào miền Bắc, hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, mang theo triệu tấm lòng là minh chứng cho truyền thống quý báu của cả dân tộc.
Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đau đáu hướng về miền Bắc, đến nay Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.000 tỷ đồng, tất cả đều thực hiện theo "mệnh lệnh từ trái tim".
Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng , trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Đại biểu Nguyễn Thi Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, bảo đảm tăng trưởng.
Tin mới
- Bộ Y tế đưa ra 5 tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện từ 1/1/2025 - 19/11/2024 02:28
- Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo - 19/11/2024 02:26
- Tuyên dương 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu - những ‘hạt nhân’ tiên phong, truyền cảm hứng và động lực cho học sinh, sinh viên - 15/11/2024 03:56
- Nhiều khu vực ở miền Trung có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn - 04/11/2024 04:19
- Miền Bắc bước vào đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa - 04/11/2024 04:17
Các tin khác
- Một số trường đại học lớn bỏ xét tuyển bằng học bạ - 04/11/2024 03:00
- Mưa lũ ở Quảng Bình làm 7 người tử vong, 300 hộ vẫn còn ngập lụt - 01/11/2024 06:27
- Dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - 01/11/2024 04:30
- Quảng Trị: Gấp rút hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ - 29/10/2024 05:06
- 2 kịch bản có thể xảy ra khi Bão Trà Mi vào Biển Đông - 24/10/2024 03:46