Siêu bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó Hải Phòng và Quảng Ninh.
Nhiều người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, nhiều nhà ở, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, trường học bị hư hại nặng, hàng ngàn cây xanh bị đổ gãy, bật gốc… khiến chúng ta không khỏi xót xa. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm ấy, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã thể hiện tinh thần vì dân, coi bà con như chính người thân của mình thông qua những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa, tạo được dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân các địa phương.
Trở về từ tâm bão
Cầu cảng Hải đội Biên phòng 2 ở thành phố Hạ Long dù chưa đến giờ các xuồng Cảnh sát biển chở thuyền viên bị nạn về bàn giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh nhưng đã có rất đông người thuộc các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, chính quyền địa phương và người thân đón chờ những con người sống sót nơi tâm bão trở về. Những ánh mắt chờ trông, khóe mắt rưng rưng của gia đình các thuyền viên như nốt lặng trong cuộc trùng phùng đầy may mắn này.
Những tiếng còi hú từ xa vọng vào, mọi người dõi mắt nhìn ra, 4 chiếc xuồng Cảnh sát biển chở những thuyền viên đang rẽ sóng chạy vào cảng. Thiếu tướng Trần Văn Thơ, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 là người trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ cứu nạn cũng có mặt trên xuồng để vào làm công tác bàn giao người bị nạn cho Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh.
Lực lượng Cảnh sát biển dọn dẹp cây bị đổ.
Khi những chiếc xuồng đã cập cảng an toàn, toàn bộ 43 thuyền viên bước lên trong tiếng gọi, cái bắt tay, những cái ôm đầy xúc động của những người trên bờ. Đây là các thuyền viên làm việc trên 8 phương tiện nổi gồm sà lan, đầu kéo, tàu vận tải bị bão số 3 đánh chìm, va vào núi, mắc cạn tại khu vực đảo TiTop, hòn Pháo Trong, Pháo Ngoài thuộc vịnh Hạ Long được cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 11 cứu nạn.
Anh Nguyễn Duy Linh, quê ở phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, thuyền viên làm việc trên sà lan Thành Lộc 01 cảm động chia sẻ: "Chúng tôi rất may mắn được các anh Cảnh sát biển cứu vớt kịp thời và được trở về với gia đình, không biết nói gì hơn, xin cảm ơn các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai!".
Là người có mặt tại thực địa trong những phút giây sinh tử, hiểm nguy nhất khi cơn cuồng phong đang hoành hành, Trung tá Nguyễn Xuân Lâm, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 11 nhớ lại: trước sức tàn phá của bão Yagi, có rất nhiều phương tiện nổi như sà lan, đầu kéo, tàu vận tải bị sóng đánh trôi dạt, chìm, có phương tiện bị mất tích cùng các thuyền viên.
Lúc 5 giờ sáng 8/9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã chỉ đạo tàu 8004, hai xuồng 721, 722 thuộc Hải đoàn 11 xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực đảo TiTop, hòn Pháo Trong, Pháo Ngoài. Đến 5 giờ 30 phút, xuồng 722 thuộc đã tiếp cận được tàu Duy Mạnh 19 tại khu vực gần tàu Bạch Đằng 68 bị chìm cứu được 3 thuyền viên.
Lúc 5 giờ 45 phút xuồng tiếp cận sà lan 2 cẩu Bạch Đằng MIA cứu được 11 người lên xuồng. Tiếp đến, lúc 6 giờ 10 phút, xuồng tiếp cận sà lan 2 cẩu HD 8698 bị trôi dạt, va vào núi, mắc cạn cứu được 6 thuyền viên. Xuồng 722 đưa 20 thuyền viên vừa cứu được về tàu 8004 và tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Lúc 6 giờ 45 phút, xuồng tiếp cận sà lan Thành Lộc 01 bị trôi dạt và mắc cạn ở khu vực đuôi hòn Pháo Ngoài bị chìm đầu đẩy, cứu được 10 thuyền viên đưa về tàu 8004. Tiếp đó, xuồng 721 phát hiện sà lan Việt Thuận 10 bị mắc cạn va vào núi, đầu kéo bị chìm ở khu vực Hải đội 2 Biên phòng Quảng Ninh, trên sà lan có 7 thuyền viên. Xuồng đã cứu được 2 thuyền viên, 5 thuyền viên còn lại đã bơi vào đảo và được lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cứu vớt…
Đến 10 giờ cùng ngày, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã cứu được tổng cộng 43 người, đưa về tàu CSB 8004 để chăm sóc y tế, động viên tinh thần và đưa vào bờ bàn giao cho lực lượng chức năng. Số thuyền viên còn mất tích, Bộ Tư lệnh Vùng vẫn đang tích cực, khẩn trương phối hợp cùng các lực lượng tìm kiếm trên diện rộng với mục tiêu sớm tìm được và đưa các nạn nhân trở về với gia đình.
Các lực lượng tập trung hiệp đồng xử lý cây xanh gãy đổ.
Sát cánh cùng nhân dân trong hoạn nạn
Hải Phòng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra. Khung cảnh ngổn ngang khi siêu bão quét qua khiến những ai nhìn thấy không khỏi nhói lòng. Những ngày sau bão, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các phường Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Hải, Thành Tô, Cát Bi, Nam Hải thuộc quận Hải An tiến hành tổng dọn vệ sinh.
Quận Hải An cũng là địa phương có cây cối gãy đổ, bật gốc rất nhiều, kéo theo cả dây điện bị đứt, các biển bảng quảng cáo bị đổ, các trường học bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho địa phương. Cán bộ, chiến sĩ các tổ cơ động của Bộ Tư lệnh Vùng đã khẩn trương dọn dẹp, cưa cắt những cây bị bật gốc, đổ chắn ngang các trục đường chính để bảo đảm giao thông thông suốt, giúp các gia đình có nhà bị bay mái tôn, cây đổ đè lên mái dọn dẹp gọn gàng; dọn dẹp, tháo dỡ các công trình bị hư hại tại các trường học trên địa bàn quận.
Đại tá Nguyễn Văn Hiển, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng, người trực tiếp chỉ huy các tổ cơ động ra giúp dân cho biết: “Bộ Tư lệnh Vùng đã huy động lực lượng tối đa, quân số cao nhất, duy trì 5 tổ công tác ra phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương chung tay khắc phục hậu quả cơn bão.
Các lực lượng tập trung hiệp đồng xử lý cây xanh gãy đổ.
Trước mắt tập trung khắc phục hư hại tại các trường học, bệnh viện, khơi thông các luồng giao thông, các tuyến phố trên địa bàn quận Hải An để nhân dân đi lại thuận tiện cũng như để cơ quan chức năng vận chuyển các trang thiết bị đến khắc phục hậu quả một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi quyết tâm sát cánh cùng địa phương tiếp tục khắc phục triệt để hậu quả của cơn bão trên địa bàn quận!”.
Với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, cán bộ, chiến sĩ đã cơ bản khắc phục xong hậu quả do bão gây ra trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn các phường, bảo đảm cho các phương tiện và người dân lưu thông an toàn, thông suốt.
Cảm động trước những hành động kịp thời của những người lính biển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Hải Trần Thị Minh Huệ cho biết: “Thay mặt cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường xin cảm ơn các đồng chí Cảnh sát biển đã giúp đỡ trường khắc phục hậu quả sau bão rất nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần làm sạch môi trường, cảnh quan để nhà trường sớm đón các con trở lại lớp tiếp tục năm học mới theo đúng kế hoạch của ngành Giáo dục. Đây là một hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, thể hiện được tình quân dân gắn bó keo sơn!”.
Chứng kiến những hoạt động giúp dân những ngày sau bão tại địa phương mình, ông Nguyễn Văn Đảo, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hải An chia sẻ: Lãnh đạo quận và nhân dân rất cảm động trước sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1. Mấy ngày nay, quận cũng phối hợp với nhiều lực lượng cùng tham gia khắc phục hậu quả cơn bão tại địa phương. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đối với địa phương là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần làm tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
Tin mới
- EVNNPC: Cấp điện trở lại cho trên 6 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bão, lũ - 17/09/2024 04:46
- Trường THPT Chuyên KHXH&NV phát động quyên góp hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bão lũ - 16/09/2024 11:20
- Xuất hiện áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông - 16/09/2024 06:52
- Đến chiều 15/9, bão số 3 và mưa lũ khiến 330 người chết, mất tích - 15/09/2024 22:23
- Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam' - 15/09/2024 22:20
Các tin khác
- Cập nhật thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ đến 7h ngày 12/9 - 12/09/2024 09:47
- Chiều tối và đêm nay (06/9), bão số 3 (bão Yagi) sẽ đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ - 06/09/2024 01:02
- Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới - 05/09/2024 07:37
- Bão số 3 đã thành siêu bão - 05/09/2024 07:31
- Báo chí cần tiếp tục chủ động vào cuộc, đồng hành cùng Chính phủ, tạo sự đồng thuận - 27/08/2024 07:39