Trong dự án luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế hướng đến chính sách nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, Bộ Y tế nêu rõ nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi...
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta gia tăng
Theo Bộ Y tế, có nhiều cách để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi trong thời đại công nghệ hiện nay, phương pháp chủ yếu là lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện lựa chọn giới tính như: áp dụng ngay từtrước lúc có thai(chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn…); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y…); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối…) để chẩn đoán giới tính...
Mất cân bằng giới tính khi sinh là kết quả tất yếu của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Theo số liệu thống kê, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện từ khoảng năm 2006 đến nay.
Bảng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam thời kỳ 1999-2021 (Đơn vị tính: Số bé trai/100 bé gái)
Năm | TSGTKS | Năm | TSGTKS | Năm | TSGTKS |
1999 | 107,0 | 2008 | 112,1 | 2016 | 112,2 |
2000 | 107,3 | 2009 | 110,5 | 2017 | 112,1 |
2002 | 107,0 | 2010 | 111,2 | 2018 | 114,8 |
2003 | 104,0 | 2011 | 111,9 | 2019 | 111,5 |
2004 | 108,0 | 2012 | 112,3 | 2020 | 112,1 |
2005 | 106,0 | 2013 | 113,8 | 2021 | 112,0 |
2006 | 109,8 | 2014 | 112,2 | 2022 | 113,7 |
2007 | 111,6 | 2015 | 112,8 | 2023 | 113,6 |
Nguồn: Tổng Cục thống kê; Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ 1/4/2017; Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019; Niên giám thống kê 2020, 2021; Báo cáo của Chính phủ Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, 2024.
Số liệu trên cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không rõ ràng và dường như dao động trong giới hạn của sự cân bằng tự nhiên (103 đến 107 bé trai/100 bé gái).
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2021: 112 bé trai/100 bé gái; năm 2022: 113,7 bé trai/100 bé gái; năm 2023: 113,6 bé trai/100 bé gái).
Đề xuất sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi
Theo Bộ Y tế, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động trực tiếp, gián tiếp, bao gồm: Tư tưởng nối dõi tông đường đã làm cho tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt...; Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.
Những nguyên nhân tác động gián tiếp nhưng mức tác động khá mạnh như: do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng phải có con trai nên đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; do nhu cầu kinh tế, điều kiện lao động thủ công làm nhiều công việc nặng nhọc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ,... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai và con trai là trụ cột về kinh tế là sự bảo đảm bình yên cho cả gia đình; do gần 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già và trách nhiệm phụng dưỡng chủ yếu thuộc về con trai…
Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân về pháp luật chưa đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi chưa được đẩy mạnh. Việc hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái còn chưa tương xứng...
Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại...
Nếu xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không được khống chế thì sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu dân số hợp lý về giới tính và nhân khẩu học.
Tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục cao trong các năm tiếp theo thì đến năm 2050 nước ta sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
Bộ Y tế đề xuất ngoài chính sách tuyên truyền, vận động, xóa bỏ định kiến giới, sẽ rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức.
Sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm;
Quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng việc lạm dụng các công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh, trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế đánh giá, chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên...
Tin mới
- Bão số 2 suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng - 23/07/2024 03:46
- Các cách tra cứu điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024 - 16/07/2024 07:11
- WHO: Bệnh Covid-19 vẫn cướp đi 1.700 sinh mạng mỗi tuần - 12/07/2024 04:34
- Đa dạng các hình thức tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em - 12/07/2024 04:05
- Xứng danh vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh - 12/07/2024 04:02
Các tin khác
- Miền Bắc chuẩn bị đón mưa lớn - 11/07/2024 03:23
- Mùa mưa bão 2024: nguy cơ La Nina gây bão, lũ dồn dập - 10/07/2024 02:44
- Tình hình bệnh bạch hầu ở Việt Nam và cách phòng chống - 09/07/2024 06:55
- Nguy cơ xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Nghệ An nếu không phòng, chống quyết liệt - 09/07/2024 03:59
- Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030 - 09/07/2024 03:48