Thứ hai, 28 Tháng 8 2023 15:54

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.

Tạo căn cứ pháp lý triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1.

Tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống

Bộ Công Thương cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản có phạm vi tác động tới nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong xã hội. Một số quy định của Luật có tác động tới số lượng lớn chủ thể, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh như: quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;…

Một số quy định có tính mới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực thi như: khái niệm người có ảnh hưởng; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.

Do đó, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách tổ chức thực thi một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.

Nghị định gồm 8 Chương, 30 Điều, cụ thể:

Chương 1: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ (Điều 1 đến Điều 3).

Chương 2: về tổ chức thực hiện hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (Điều 4).

Chương 3: về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (Điều 5 và Điều 6).

Chương 4: kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Điều 7 đến Điều 17).

Chương 5: trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật (Điều 18 đến Điều 22).

Chương 6: trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù (Điều 23 đến Điều 27).

Chương 7: bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng (Điều 28).

Chương 8: điều khoản thi hành (Điều 29 và Điều 30).

 

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi