Hệ thống chính sách việc làm đã tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế. Tỉ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%).
Nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế
Chưa tận dụng được lợi thế giai đoạn ‘dân số vàng’
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 1/3 thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã không đăng ký nguyện vọng vào đại học. Mùa tuyển sinh 2022-2023 cũng ghi nhận nhiều thanh niên lựa chọn đăng ký thi vào các trường nghề . Điều này vừa là sự chuyển dịch phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế, đồng thời cũng phản ánh những thay đổi theo hướng tích cực trong cách nhìn nhận, lựa chọn định hướng nghề nghiệp của thanh niên.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).
Tuy nhiên, theo thống kê, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Tỉ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) năm 2020 là 7,21%, năm 2021 là 8,55%, năm 2022 là 7,72%, quý 1/2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%). Gần 1/3 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15-24 tuổi.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, so với thế giới và khu vực, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên phản ánh việc kết nối cung và cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả, đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân do chất lượng lao động thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu thị trường hay chưa có các giải pháp phù hợp giúp thanh niên tham gia thị trường lao động hay do ý thức, trách nhiệm của bản thân thanh niên.
Mặt khác, tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn "dân số vàng". Giai đoạn "dân số vàng" của Việt Nam đang trôi dần về những năm cuối (dự báo khoảng năm 2039) và giai đoạn già hóa dân số đến nhanh. Sự thay đổi này đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với nhóm dân số trong lực lượng lao động, trong đó thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh Chính phủ cần phải có những chính sách hỗ trợ việc làm kịp thời cho thanh niên.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cũng nêu thực tế trình độ chuyên môn của lao động trẻ đang là vấn đề đáng lo ngại bởi tỉ lệ lao động qua đào tạo còn hạn chế và tăng rất chậm. Đến hết năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo mới ở mức 67%; trong đó tỉ lệ đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 27,2%.
Bên cạnh đó, nhiều thanh niên di cư ra thành thị, khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục.
Cần nguồn lực hỗ trợ việc làm cho thanh niên
Những năm qua, thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013 (văn bản luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 …
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về việc làm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các chuyên gia nhận định, hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hằng năm các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, các chính sách riêng cho thanh niên vẫn còn thiếu, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế. Nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh cần phải chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuỳ theo đặc thù thanh niên thuộc nhóm đối tượng nào thì triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên chủ yếu tập trung vào 6 chương trình: Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, tín dụng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tín dụng đối với vùng khó khăn.
Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay còn rất hạn chế do huy động từ nguồn vốn của địa phương. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên.
Tin mới
- Hà Nội và TPHCM công bố danh mục sách giáo khoa - 12/05/2023 02:29
- Năm nay nắng nóng nhiều hơn, bão ít nhưng khó dự đoán hơn mọi năm - 12/05/2023 02:28
- Nam Bộ, Trung Bộ có mưa to, Bắc Bộ đón không khí lạnh, trời lạnh - 11/05/2023 09:17
- Giá xăng dầu giảm mạnh về sát mốc 20.000đ/lít - 11/05/2023 08:35
- Trao học bổng từ chương trình UpRace 2022 cho học sinh tỉnh Gia Lai - 10/05/2023 07:20
Các tin khác
- Khi Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh dân tộc - 07/05/2023 03:51
- Áp thấp nhiệt đới đang tiến gần Biển Đông - 05/05/2023 09:18
- Chi tiết bảng lương công chức áp dụng từ ngày 1/7/2023 - 05/05/2023 09:15
- Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam từ 15/5 - 05/05/2023 09:03
- Sau nắng nóng sẽ lại có một đợt không khí lạnh - 05/05/2023 04:42