Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban Giao thông) vừa đề xuất với UBND thành phố về tiến độ triển khai một số dự án giao thông từ nay đến cuối năm.
Theo đó, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 sẽ khánh thành vào dịp 10/10 (Ngày giải phóng thủ đô). Cũng dịp này, thành phố dự kiến khởi công 2 dự án (hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3.
Tháng 11, thành phố dự kiến khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai.
Phối cảnh hầm chui nút giao vành đai 2,5.
Dự án hầm chui tại nút giao vành đai 2,5 với đường Giải Phóng có quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890 m theo hướng đường vành đai 2,5. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460 m.
Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5 m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5 m/làn. Tổng giá trị dự toán phê duyệt gần 600 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện 2022-2025.
Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội.
Dự án sẽ xây dựng các công trình tiếp cận với tuyến đường sắt đô thị đảm bảo liên thông giao thông vận tải công cộng cho 12 nhà ga và các trạm dừng xe buýt giữa các nhà ga; áp dụng các giải pháp về giao thông công cộng.
Tàu trên tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) chạy thử đoạn trên cao.
Trong 10 gói thầu của dự án, gói thầu CW-03 đã được mở thầu. Gói thầu này có chiều dài tuyến khoảng hơn 7 km, thực hiện cải tạo mặt đường bị hư hỏng, tổ chức giao thông (bổ sung một số biển báo hiệu giao thông, sơn kẻ vạch; xây dựng bổ sung cột đèn, bộ đèn tín hiệu cho người đi bộ), lát lại toàn bộ vỉa hè bằng gạch bê tông xi măng vân đá; thay thế bó vỉa, đan rãnh bằng viên bê tông xi măng đúc sẵn...; xây bó gốc cây bằng viên bê tông xi măng, cải tạo nâng cổ các ga thoát nước, ga kỹ thuật theo cao độ mặt đường mới.
Đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tổng chiều dài toàn tuyến 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao (từ Depot Nhổn đến Thủ Lệ) và 4 km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội). Dự án có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm) đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm trong đó điểm đầu khởi hành là Nhổn, điểm cuối là đường Trần Hưng Đạo (Ga Hà Nội). Dự kiến cuối năm nay, đoạn trên cao đi vào hoạt động.
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai sẽ khởi công tháng 11. Dự án có quy mô đầu tư với chiều dài 21,7 km. Điểm đầu tại Km14+00 địa phận Ba La - quận Hà Đông, điểm cuối tại Km3 8+00 kết thúc thị trấn Xuân Mai - huyện Chương Mỹ, tiếp giáp huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình (không bao gồm đoạn qua thị trấn Chúc Sơn - huyện Chương Mỹ từ Km19+920 đến Km22+220); mặt cắt ngang 50-60m.
Quốc lộ 6, đoạn qua xã Đông Phương Yên (K29, huyện Chương Mỹ).
Trên tuyến có 7 cầu đường bộ và một cống hộp; 4 nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức theo quy hoạch với quốc lộ 21A, đường trục Bắc - Nam và Vành đai 4 sẽ thực hiện theo các dự án riêng. Trước mắt, khi các nút giao khác mức chưa được đầu tư xây dựng thì đoạn tuyến qua khu vực nút giao được thiết kế theo quy mô mặt cắt ngang điển hình phù hợp với chỉ giới đường đỏ, bảo đảm tầm nhìn tối thiểu an toàn. Riêng nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B) thiết kế giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn dẫn hướng.
Theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2027.
Hà Nội có 1.370 tuyến đường, tổng chiều dài trên 2.300 km; 573 cầu, trong đó 483 cầu nhỏ, cầu trung, 13 cầu vượt nhẹ, 70 cầu vượt đường dành cho người đi bộ và 7 cầu lớn (Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù, Thăng Long, cầu Phùng); 115 hầm gồm 9 hầm cơ giới, 39 hầm đi bộ, 67 hầm chui dân sinh;
6 tuyến đường sắt quốc gia đi qua với tổng chiều dài khoảng 162 km (520 đường ngang; lối đi tự mở 314 vị trí)
Đường sắt đô thị: Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động; Tuyến đường sắt số 3 Nhổn – ga Hà Nội dự kiến hoạt động đoạn trên cao Nhổn – Voi Phục (năm 2022).
Đường thủy nội địa: 4 tuyến (suối Yến, suối Hai, Cà Lồ, sông Đáy) với chiều dài hơn 63 km.
Tỷ lệ đất giành cho giao thông năm 2021 đạt 10,3%.
Số lượng phương tiện tính đến tháng 7/2022: trên 7,6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu ôtô; trên 6,4 triệu xe mô tô các loại; 179.000 xe máy điện. Tổng số phương tiện trên chưa kể số lượng phương tiện của lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao, các tỉnh khác lưu thông trên địa bàn thành phố.
Tin mới
- Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF nâng dự báo tăng trưởng - 13/09/2022 09:28
- Bảo đảm các điều kiện để trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục - 13/09/2022 00:53
- Xăng, dầu giảm giá mạnh sau kỳ điều chỉnh mới nhất - 12/09/2022 08:14
- Cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã - 12/09/2022 06:45
- Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới - 12/09/2022 03:00
Các tin khác
- Phó Chủ tịch nước gặp mặt trẻ mồ côi, khuyết tật dịp Tết Trung Thu - 10/09/2022 03:14
- Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - 08/09/2022 08:09
- Quý II/2023, hoàn thành hướng dẫn sắp xếp lại các trường liên cấp, liên xã - 08/09/2022 03:53
- Nghỉ tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày - 07/09/2022 01:16
- Moody’s nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam - 07/09/2022 01:14