Đến hết quý I/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 1,28 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Việc tham gia BHXH chính là lựa chọn tối ưu nhất để có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) làm chỗ dựa vững chắc cho người lao động (NLĐ) khi về già.
BHXH Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, luôn xác định truyền thông phải "đi trước một bước", ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông BHXH.
Kết quả nổi bật nhất chính là số người tham gia BHXH tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo thống kê, đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 1,28 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021.
"Để đạt được kết quả này, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền vận động được các địa phương triển khai đa dạng, linh hoạt phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia BHXH đạt được những kết quả đáng ghi nhận", Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.
BHXH Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH. Theo đó, khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng-là nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống khi về già và trong suốt thời gian nghỉ hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) để chăm sóc sức khỏe.
Đáng lưu ý, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Về nguyên tắc BHXH, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng BHXH, thời gian đóng BHXH, có nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Trong thực tế, có một số trường hợp hưởng lương hưu với mức hưởng thấp, nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ đóng BHXH với mức đóng thấp, thời gian đóng BHXH chỉ đạt thời gian tối thiểu, cũng có nhiều trường hợp là do NLĐ nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định dẫn đến bị giảm trừ tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (hiện nay, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giảm 2% đối với cả nam và nữ).
Tăng lương hưu qua các năm
Trước các ý kiến băn khoăn, đồng tiền mất giá sẽ tác động đến lương hưu làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. BHXH Việt Nam lý giải, cách hiểu này chưa chính xác, vì trên thực tế, quy định của chính sách BHXH đã tính đến yếu tố lạm phát hay trượt giá. Đối với tiền lương đóng BHXH của NLĐ không chỉ khi tính mức hưởng lương hưu mà còn bảo đảm yếu tố này trong suốt quá trình hưởng lương hưu của NLĐ nhằm mục đích bảo đảm thu nhập của người hưởng lương hưu, cơ bản đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Cụ thể, khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu của NLĐ đều được điều chỉnh như sau:
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.
Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi và NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu.
Năm 2022, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Điều này cho thấy, chính sách BHXH của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp.
Có thể nói, việc tăng lương hưu với quan điểm để cải thiện đời sống của người về hưu, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là những người có mức lương hưu, trợ cấp BHXH thấp... luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện. Vì vậy, NLĐ hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng tham gia chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước, việc tham gia BHXH chính là lựa chọn tối ưu nhất để có lương hưu và thẻ BHYT làm chỗ dựa vững chắc nhất cho NLĐ khi về già.
Tin mới
Các tin khác
- Bắc Bộ và Trung Bộ bước vào đợt mưa giông kéo dài nhiều ngày - 19/05/2022 22:29
- Đề xuất chi gần 23.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 4 - 19/05/2022 07:55
- Không khí lạnh gây mưa dông ở Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ - 16/05/2022 02:09
- Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế - 16/05/2022 02:03
- Lạng Sơn: Mưa lũ làm 3 người chết, mất tích, thiệt hại gần 400 tỷ đồng - 12/05/2022 10:35