Thứ ba, 10 Tháng 5 2022 16:49

Từ tháng 1/2022 đến nay, cả nước có 113 trẻ em tử vong do đuối nước. Chỉ tính riêng 3 ngày (7-8 và 9/5) cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước ở trẻ em rất thương tâm, các em đang là học sinh, ngoài giờ học đi tắm sông, suối cùng bạn mà thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Trong 5 năm qua, tình hình trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. Tỷ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Tử vong do thương tích chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm trẻ em từ 1 - 14 tuổi.

Tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ em tử vong, mà còn khiến toàn xã hội bức xúc, lo lắng.

Cục Trẻ em cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, cả nước có 113 trẻ tử vong do đuối nước. Trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước.

5 tháng đầu năm 2022, hơn 100 trẻ tử vong do đuối nước - Ảnh 2.

Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em.

Trước thực trạng đuối nước gây tử vong cho trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục Trẻ em sẽ đôn đốc, nhắc nhở địa phương thực hiện phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước kỳ nghỉ hè đang đến gần.

Đối với các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, lập bản đồ cảnh báo điểm nóng về tai nạn đuối nước và có giải pháp khắc phục kịp thời. "Các điểm, địa bàn thường xuyên xảy ra tai nạn cần có cảnh báo, biển báo, đánh dấu đỏ...", ông Nam cho biết.

Song song với đó, các tỉnh thành cần có trách nhiệm chỉ đạo các cấp chú trọng bàn giao, phối hợp quản lý học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, và các thời điểm bão, lũ, thiên tai; vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đặc biệt, các địa phương cần đầu tư ngân sách và vận động xã hội hóa xây dựng các thiết chế thể dục thể thao, hệ thống bể bơi thông minh để dạy bơi an toàn cho trẻ, bám sát quyết định 1248 của Thủ tướng về Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Nhà trường tranh thủ dạy bơi trước khi nghỉ hè

Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng có công điện gửi giám đốc các sở GD&ĐT về tăng cường phòng chống đuối nước sau khi có một loạt trẻ em, học sinh đuối nước vào đầu mùa hè này.

Trong đó, các sở GD&ĐT cần mở đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh trong việc tuân thủ quy định đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường nước, nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Riêng với nhà trường, cần tận dụng thời gian cuối năm học để tổ chức các hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi học sinh nghỉ hè. Nhà trường cần tăng cường phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các sở GD&ĐT tham mưu cho UBND các tỉnh, TP ban hành chương trình, kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy - học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn và các dịch vụ liên quan cho học sinh...

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi