Dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM đang có nhiều tín hiệu khả quan, thị trường lao động cũng bắt đầu khởi sắc trở lại, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động. Theo ước tính, trong năm 2022, TPHCM cần hàng trăm nghìn lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên - Yescenter tổ chức nhiều hoạt động “tiếp sức người lao động”. |
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp, tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. So với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98%, GRDP năm 2021 của Thành phố cũng giảm 5,06%.
Về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Trung tâm, có 13.286 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm 84,94% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm 42,7%; khó khăn về vốn chiếm 27,15%; cần hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước chiếm 18,23%; thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.
Trong năm 2022, thị trường lao động TPHCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo dự kiến, Thành phố có 4.931.790 lao động làm việc; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,15%, thương mại - dịch vụ chiếm 61,89%.
Dự báo số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3.127.066 người, trong đó, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,01%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 74,50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22,49%.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cũng đặt ra 2 kịch bản cho thị trường lao động Thành phố trong năm 2022. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế-xã hội, dự kiến Thành phố cần khoảng 255.000-280.000 lao động. Trong đó, quý I cần khoảng 71.500-78.500 lao động, quý II khoảng 59.600-65.500 lao động, quý III cần 60.600-66.500 lao động, quý IV cần khoảng 63.300-69.500 lao động.
Thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến Thành phố cần khoảng 280.000-310.000 lao động. Trong đó, quý I cần khoảng 78.500-86.900 lao động, quý II cần khoảng 65.500-72.500 lao động, quý III cần khoảng 66.500-73.500 lao động, quý IV cần khoảng 69.500-77.100 lao động.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 1,17%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 89,66%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%. Tính theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%.
Về 4 ngành công nghiệp trọng điểm, nhu cầu nhân lực chiếm 19,37%, trong đó, ngành cơ khí chiếm 4,37%; sản xuất hàng điện tử chiếm 6,97%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm 3,96%; hóa dược-nhựa-cao su chiếm 4,07%.
Đối với 9 ngành dịch vụ chủ yếu, nhu cầu nhân lực chiếm 51,26%, trong đó, ngành thương nghiệp chiếm 15,45%; vận tải kho bãi chiếm 4,51%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 5,11%; thông tin và truyền thông chiếm 3,67%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,53%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm 2,51%; giáo dục và đào tạo chiếm 5,1%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 3,61%.
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28% (nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 22,52%, trung cấp chiếm 24,43%, cao đẳng chiếm 18,59%, đại học trở lên chiếm 20,74%).
Ông Triết nhận định, với lượng sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường gồm các bậc đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, dự kiến lực lượng lao động của Thành phố cơ bản đáp ứng đủ.
Trong năm 2022, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên - Yescenter sẽ tổ chức chương trình “tiếp sức người lao động” và sàn giao dịch việc làm cấp Thành phố, dự kiến có 40 doanh nghiệp tham gia, với 5.000 chỉ tiêu việc làm đa dạng.
Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán, trung tâm sẽ hỗ trợ khoảng 3.000 chỉ tiêu việc làm bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… cho người lao động. Cạnh đó, trao 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), hỗ trợ về kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp như phỏng vấn, tuyển dụng; làm việc nhóm, quản lý thời gian… cho người lao động, nhất là các sinh viên.
Từ cuối tháng 12/2021 đến ngày 23/1/2022, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM triển khai hoạt động cao điểm tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên trong dịp Tết, dự kiến có 300 đơn vị, cá nhân tuyển dụng với khoảng 3.000 chỉ tiêu việc làm.
Việc làm được tuyển dụng nhiều là thu ngân, nhân viên kho, nhân viên lên hàng, gói quà, chế biến thực phẩm tại siêu thị; nhân viên phát tặng mẫu thử sản phẩm, tư vấn bán hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị; phục vụ, phụ bếp, giữ xe nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống; nhân viên bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn, trông coi nhà cửa trong dịp Tết… Mức thu nhập trung bình từ 19.000-50.000 đồng/h, hoặc 140.000-400.000 đồng/ngày.
Thời gian này, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đẩy mạnh tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến trên website www.vieclamhcm.net. Người lao động và doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với nhau để rút ngắn thời gian và chi phí đi lại.
Cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh thành, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các tỉnh thành, giúp kết nối cung-cầu lao động để người lao động nhanh chóng quay lại Thành phố.
Song song đó, trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua các số điện thoại như: 028.3514.7484 - 028.3510.6121, hotline: 0339.163.968. Người lao động và doanh nghiệp cũng có thể gửi thông tin đến email để được tư vấn về việc làm và tuyển dụng lao động.
Năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp nhận 122.700 hồ sơ người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó quý IV năm 2021 tiếp nhận 32.221 hồ sơ và tháng 12 tiếp nhận 11.318 hồ sơ. Hiện nay, trung tâm vẫn tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện. Người lao động sẽ gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, thông báo có việc làm (chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp)… bằng thư đảm bảo qua đường bưu điện đến các điểm tiếp nhận của Trung tâm tại Quận 4, Quận 6, Quận 12, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi và Thành phố Thủ Đức. Thời hạn giải quyết căn cứ vào ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. |
Tin mới
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đã đến lúc cần điều chỉnh việc mở cửa trường học an toàn - 19/01/2022 07:08
- Sáng 19/1: Hơn 1,75 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam khỏi bệnh; Hướng dẫn thanh toán BHYT cho người lọc máu chu kỳ là F0 - 19/01/2022 03:37
- Bắc Bộ, Trung Bộ duy trì rét đậm, vùng núi cao có băng giá - 19/01/2022 03:24
- Không khí lạnh tăng cường gây mưa vừa đến mưa to ở Bắc Bộ - 15/01/2022 06:22
- Ngày 14/1, cả nước ghi nhận 16.060 ca mắc, 171 ca tử vong - 14/01/2022 12:54
Các tin khác
- NKT có thể tham gia hiệu quả trong lập kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH - 11/01/2022 10:24
- Hơn 100 tỉ đồng ủng hộ trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - 10/01/2022 09:26
- Đảm bảo quyền lợi an sinh của người dân trong đại dịch Covid-19 - 10/01/2022 09:12
- Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc đón đợt mưa rét mới - 10/01/2022 04:39
- Thích ứng linh hoạt, nhiều địa phương mở cửa đón học sinh đến trường - 10/01/2022 04:31