Thứ tư, 01 Tháng 12 2021 09:11

Để hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở, Sở Y tế TPHCM đang tham mưu đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của y tế tư nhân. Theo đó, tất cả phòng khám tư nhân có thể tham gia đề án thí điểm này.

 

Họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều ngày 29/11

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo định kỳ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều 29/11.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, trong ngày 28/11, TPHCM ghi nhận 1.094 bệnh nhân nhập viện, 1.047 bệnh nhân xuất viện.

Theo ông Hải, những ngày gần đây, số ca nhiễm, số ca tử vong trên địa bàn Thành phố vẫn cao. Số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Tuy nhiên, TPHCM khẳng định vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, cấp độ dịch vẫn ở mức 2. Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.

Tính đến ngày 28/11, TPHCM đã tiêm trên 7,9 triệu mũi 1 và trên 6,67 triệu mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Trong đó có trẻ em độ tuổi từ 12-17. Việc tiêm vaccine là một trong những điều kiện rất quan trọng bảo đảm an toàn cho các em trở lại trường.

Theo thống kê, trong khảo sát ban đầu, 93% phụ huynh đồng thuận tiêm, nhưng khi tổ chức tiêm mũi 1 thì tỉ lệ đồng thuận lên tới 98% trong tổng số 612.000 học sinh trong độ tuổi. Đến 29/11, các quận, huyện, Thành phố đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, đến nay Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường, đặc biệt là cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch.

Các nhà trường cũng chuẩn bị phương án cụ thể và diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1 trước khi đón học sinh trở lại. Mỗi trường phải có kịch bản và phân công thực hiện các công tác phòng chống dịch hằng ngày, từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.

Trước khi đi học trở lại, các cơ sở giáo dục sẽ tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cho cả thầy cô, học sinh và phụ huynh để tất cả cùng chung tay thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Về kinh nghiệm chăm sóc F0 cách ly điều trị tại nhà, đại diện Quận 7 cho biết, địa phương đã vận hành 828 tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, duy trì 10 tổ phản ứng nhanh của các phường để kịp thời tiếp nhận xử lý thông tin của F0. Quận 7 thực hiện các tổng đài tiếp nhận thông tin và tư vấn cho F0 điều trị tại nhà. Các tổng đài mặc định thời gian gọi đến các F0, thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo tự động tư vấn và chuyển thông tin với những F0 cần hỗ trợ đến các cấp đầu mối khác nhau.

Quận 7 duy trì bệnh viện dã chiến, với 150 giường ICU, sẵn sàng tiếp nhận thu dung 500 giường và một khu cách ly tập trung 300 giường của Trung tâm y tế. Với khu chế xuất Tân Thuận chưa có khu vực cách ly tập trung riêng, Quận 7 đã có phương án tiếp nhận F0 là người lao động không có điều kiện cách lý tại nhà.

Thông tin thêm về các giải pháp chăm sóc F0 tại nhà của Thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết Thành phố có 319 trạm y tế cố định và đã bổ sung 344 trạm y tế lưu động. Sở Y tế đã có phương án chuẩn bị nhân sự tăng cường cho những địa bàn có F0 tăng. Thành phố đang duy trì tổng đài 1022 nhánh 3 với trên 200 bác sĩ tư vấn cho F0 và nhánh 4 tư vấn sức khỏe cho người dân không phải bệnh COVID-19. Bên cạnh đó là hệ thống bác sĩ đồng hành với sự tham gia của mạng lưới hơn 1.500 bác sĩ trên cả nước.

Ngoài ra, để hỗ trợ hệ thống y tế, Sở Y tế đang tham mưu đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của y tế tư nhân. Theo đó, tất cả phòng khám tư nhân có thể tham gia đề án thí điểm này. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, khi đề án này được thông qua thì TPHCM sẽ có thêm nguồn lực cho người dân lựa chọn khi cách ly điều trị tại nhà.

Về vấn đề tiêm mũi 3 cho người dân, bà Nguyễn thị Huỳnh Mai cho biết, thời điểm này Thành phố tập trung tiêm vét cho người dân chưa tiêm mũi 2, trong đó có trẻ em từ 12-17 tuổi. “Theo chỉ đạo của chính quyền Thành phố, chúng tôi sẽ triển khai đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát đối tượng chưa tiêm vaccine, tìm hiểu lý do, vận động người dân, làm sao độ phủ vaccine tốt nhất”, bà Mai cho hay.

Về phương án ứng phó với biến chủng Omicron của ngành y tế, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết việc thực hiện phòng, chống dịch sẽ thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Ban Chỉ đạo liên ngành đã chỉ đạo vẫn theo nguyên tắc vaccine và 5K.

“Thời gian tới, nếu có sự chỉ đạo của Trung ương, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Báo chí nên tuyên truyền người dân thực hiện 5K. Mong rằng dịch sẽ được đẩy lùi”, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM kêu gọi.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Hải đề cập 4 nội dung được TPHCM chuẩn bị để đối phó với biến chủng Omicron. Theo đó, ông Hải đề nghị, người dân không nên hoang mang, đặc biệt là trước biến chủng Omicron nhưng cũng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K. 

Thứ hai, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế. 

Thứ ba là cần chuẩn bị các kịch bản. Cụ thể như chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã; tăng cường vaccine. “Đó cũng là ứng phó với Omicron”, ông Hải nói.

Cuối cùng là tăng sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh: Y tế công và tư; đông y và tây y; quân y và dân y. “4 điều đó chính là những việc để Thành phố chuẩn bị ứng phó với biến chủng mới”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi