Thứ ba, 12 Tháng 10 2021 17:10

Tính đến sáng ngày 12/10 đã có 4 tỉnh, thành phố không áp dụng quy định hành khách đi máy bay phải cách ly tập trung gồm: TP. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng và Phú Yên.

 

Hành khách được xét nghiệm trước khi lên máy bay. Ảnh: VJA
Văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, tất cả hành khách thực hiện chuyến bay xuống Cảng hàng không Phú Bài đủ điều kiện theo quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 1776 đến Thừa Thiên Huế, đồng thời thực hiện các biện pháp tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú 7 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với người đến/trở về Thừa Thiên Huế để công tác, phải có kế hoạch làm việc và cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Thừa Thiên Huế. Các trường hợp xử lý công việc cấp bách, thời gian ngắn, thực hiện theo phương án chống dịch được Ban chỉ đạo COVID-19 tỉnh phê duyệt.

Đối với người đến/trở về lưu trú tại Thừa Thiên Huế, tự theo dõi sức khỏe, giám sát y tế tại nơi cư trú, lưu trú khi đáp ứng các điều kiện theo Quyết định 879 của Bộ Y tế. Người đến Thừa Thiên Huế để đi các tỉnh khác thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT và của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tối 11/10, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã ký văn bản thống nhất với Bộ GTVT về việc hành khách có chuến bay đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đủ kiều kiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và nơi lưu trú; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Trung ương và Thành phố.

Với quy định này, 116 khách từ TPHCM hạ cách lúc 19h tối ngày 11/10 không phải cách ly tập trung như yêu cầu trước đó của TP. Hà Nội.

Tương tự, UBND TP. Hải Phòng trong ngày 11/10 cũng có văn bản 7611 nêu rõ, tất cả hành khách xuống Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trên các chuyến bay thương mại nội địa và lưu trú tại Hải Phòng không phải áp dụng cách ly y tế tập trung. Người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng màu đỏ, cam, vàng) được công bố trên Trang thông tin điện tử Bộ Y tế thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 2 và thứ 7.

Người trở về các địa phương có nguy cơ hoặc bình thường mới thực hiện theo dõi sức khỏe 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7.

Sở Y tế Phú Yên cũng yêu cầu hành khách đến Cảng hàng không Tuy Hòa tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú, áp dụng đối với người đến/về từ vùng dịch (không thuộc diện phải cách ly tập trung) đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương.

Ngược lại, UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn hỏa tốc số 1509/UBND-KGVX về việc áp dụng một số biện pháp trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hành khách trên các chuyến bay nội địa đến Cảng Hàng không Pleiku.

Theo đó, hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Pleiku và lưu trú tại Gia Lai phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; thực hiện cách ly tập trung 7 ngày liên tục tại khách sạn và tự chi trả chi phí; chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đủ 2 lần vào ngày thứ nhất, ngày 6 trong thời gian cách ly tập trung.

Như vậy, hiện nay trên toàn quốc còn tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng vẫn đang áp dụng quy định cách ly tập trung với hành khách đi từ sân bay Tân Sơn Nhất trong khi các địa phương khác yêu cầu khách theo dõi tại nhà.

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn bay thí điểm (từ 10/10 đến 20/10), ngành giao thông đã lựa chọn đối tượng hành khách “xanh” (đã tiêm 2 mũi vaccine và có "thẻ xanh COVID") kèm theo điều kiện phải xét nghiệm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 8318/BYT-DP ngày 3/10 thì đây là các đối tượng không phải cách ly tập trung. Song việc các địa phương vẫn cẩn trọng và yêu cầu phải cách ly tập trung và trả phí, khiến nhiều người dân không dám lựa chọn đi lại bằng đường hàng không.

Về phía các hãng hàng không, mặc dù vừa được "phá băng" khôi phục bay lại sau nhiều tháng, song lượng hành khách quá ít, những chặng đông khách thì đang vướng các quy định cách ly đang khiến các chuyến bay không hiệu quả.


Sớm mở cửa, hàng không quốc tế sẽ phục hồi

Được biết, tại cuộc họp của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) ngày 6/10, IATA dự đoán: “Năm 2020, tổn thất với ngành hàng không toàn cầu là 137,7 tỷ USD và sẽ giảm còn 52 tỷ USD trong năm nay và giảm tiếp xuống 12 tỷ USD trong năm 2022”. Do đó, nếu có thể sớm mở cửa một cách an toàn, các hãng hàng không sẽ có thể sớm phục hồi và giảm bớt thiệt hại.

Tuy nhiên, IATA đã thực hiện cuộc khảo sát về quy định kiểm soát phòng dịch đối với vận tải hàng không quốc tế tại 50 quốc gia và nhận thấy, giữa các nước tồn tại khác biệt rất lớn. Cụ thể, trong 50 quốc gia, có 38 nước (tương đương 76%) vẫn áp đặt các rào cản đi lại, chỉ có 7 nước cho phép nhập cảnh không giới hạn. Trong 38 nước này, quy định hạn chế nhập cảnh cũng không nhất quán vì có 20 nước đang cân nhắc nới lỏng quy định với người đã tiêm phòng.

 

IATA thay mặt các hãng hàng không thế giới đồng loạt kêu gọi các chính phủ bỏ quy định hạn chế đi lại với hành khách đã tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, IATA cũng cho rằng các nước nên chuẩn bị phương án xét nghiệm để tạo điều kiện cho người chưa được tiếp cận hoặc không thể tiêm phòng, có thể di chuyển bằng đường hàng không.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi