Thứ ba, 06 Tháng 7 2021 18:08

Trên trang brookings.edu mới đây đăng tải một bài viết mang tựa đề: “Một mô hình y tế công cộng lý tưởng? Dưới sự lãnh đạo của chính phủ, Việt Nam áp dụng mô hình ngăn chặn dịch từ sớm với chi phí thấp.” Bài viết phân tích những khía cạnh làm nên sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19.

 

Theo website của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), thế giới đã chú ý tới thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 vào năm 2020. Thời điểm này, những quốc gia khác đang phải chật vật chế ngự các ca nhiễm và các biện pháp phòng chống dịch.  

Hiện nay, trải qua số ca mắc lớn nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, Chính phủ Việt Nam duy trì nỗ lực phối hợp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus. Chính phủ Việt Nam thành công trong việc giữ tỷ lệ lây nhiễm rất thấp so với dân số 97 triệu dân chủ yếu nhờ vào các biện pháp dự phòng, chiến lược y tế công cộng chi phí thấp, ưu tiên truy vết và cách ly mà hầu hết các quốc gia khác đã chưa triển khai được.

Kể từ năm 2020 tới nay, đã có nhiều cuộc thảo luận về kỳ tích của Việt Nam để chia sẻ với các nước khác. Chính sách ứng phó với COVID-19 phản ánh mối quan hệ dựa trên lòng tin giữa nhà nước và người dân. Sự lãnh đạo của nhà nước dường như là chìa khoá trong định hình và triển khai chính sách phòng chống dịch COVID-19.

 

Viet Nam - mo hinh y te cong cong ly tuong trong phong chong dich COVID-19

Bài viết phân tích mô hình y tế công cộng lý tưởng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, đăng tải trên trang Brookings của Mỹ.

Theo Brookings, cùng với sự vào cuộc của nhà nước, Việt Nam đã nâng cao năng lực cho các cơ quan y tế, các viện nghiên cứu từ thế hệ tiền nhiệm đi trước. Vô số viện khoa học của Việt Nam duy trì mối quan hệ đối tác với nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới để mở rộng năng lực giám sát đối với các bệnh như lao, HIV, AIDS, và cúm, ngoài mạng lưới các trung tâm CDC kiểm soát bệnh tật. Nhờ tăng cường năng lực y tế công cộng, Việt Nam đã đạt những thành công trong đẩy lùi dịch SARS vào năm 2003 và cúm gia cầm vào năm 2004.

Việt Nam sớm có mục tiêu hướng tới ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nên luoon ưu tiên các biện pháp y tế dự phòng. Ở thời điểm đầu đại dịch, Việt Nam đã tiến hành các biện pháp quyết liệt như đóng cửa biên giới, dừng mọi chuyến bay, cách ly người nhập cảnh, truy vết đối với tất cả các ca nghi nhiễm. Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội để gửi tin nhắn phòng dịch đến từng người, loại bỏ những thông tin sai lệch.

Những biện pháp y tế dự phòng đã hoạt động rất hiệu quả, dẫn đến kết quả Việt Nam không phải phải chứng kiến “thảm cảnh” do đại dịch hay phải đóng cửa trên diện rộng như nhiều quốc gia khác. Cho đến gần đây, Việt Nam đã đạt tới con số hơn 10 nghìn ca nhiễm, nguyên nhân là do biến thể Delta. So với Indonesia hay Philippines dữ liệu dịch bệnh của Việt Nam vẫn quá nhỏ bé. Dù vậy, Chính phủ vẫn tiếp tục cách ly nghiêm ngặt đối với các ca nghi nhiễm và những người có tiếp xúc với ca dương tính, và người nhập cảnh từ nước ngoài. 

Bí quyết nào đằng sau kỳ tích của Việt Nam? Trang Brookings.edu cho rằng, cách tiếp cận y tế công cộng của Chính phủ Việt Nam rất ấn tượng. Biện pháp giải quyết thách thức do đại dịch COVID-19 của Việt Nam là “độc nhất vô nhị”. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ có thể triển khai các chính sách và nguồn lực công đối với chiến lược đề ra, để bảo vệ sức khỏe người dân trong đại dịch toàn cầu, tăng tính minh bạch và tín nhiệm trong quản trị công để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trường hợp Việt Nam đã chứng minh rằng chính sách ban đầu của chính phủ cực kỳ hiệu quả nhằm giữ các ca nhiễm ở mức rất thấp. Kết nối toàn cầu có nghĩa là không thể đóng cửa biên giới vĩnh viễn và cần triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã chứng minh rằng, thực thi mô hình y tế dự phòng hiệu quả giúp ứng phó với mọi đại dịch. Đây có thể là kinh nghiệm cho các quốc gia khác học hỏi khi chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai. 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi