Thứ hai, 24 Tháng 5 2021 09:35

Các nhà xuất bản đã tiếp tục thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá một số cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Hiện nay, sau nhiều lần kê khai, giá một số bộ sách đã giảm so với lần kê khai đầu tiên.

 

Ảnh minh họa


Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1 để đánh giá toàn diện chủ trương xã hội hóa. Đồng thời, cần ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa... cho phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và tình hình mới hiện nay.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa chuẩn làm căn cứ xây dựng phương án giá sách giáo khoa cho các nhà xuất bản thực hiện và làm căn cứ rà soát phương án giá khi kê khai giá.

Đối với các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 2 của Nghị quyết 88/2014/QH13.

Trước đó, có ý kiến băn khoăn về việc thực hiện quản lý giá sách giáo khoa và giá sách giáo khoa mới cao hơn giá bộ sách giáo khoa cũ. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, về số học, giá bộ sách giáo khoa mới (179.000 - 203.000 đồng/bộ sách lớp 2, 234.000 - 259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2; 99.000 đồng/bộ sách lớp 6). Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ.

Cùng với đó, số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 10-13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ sách giáo khoa cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14 cm x 24 cm, sách mới 19 cm x 26.5 cm)...

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Năm học 2020-2021 vừa qua, đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép các nhà xuất bản phát hành để học sinh, nhà trường sử dụng học tập, giảng dạy.

Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Trên cơ sở ý kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới.

Các nhà xuất bản đã tiếp tục thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá một số cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 mới. Hiện nay, sau nhiều lần kê khai, giá một số bộ sách đã giảm so với lần kê khai đầu tiên. Theo đó, 3 lần các nhà xuất bản đã kê khai lại giá sách giáo khoa, điều chỉnh giá giảm từ 3,3-9% đối với sách lớp 2 và 2,4-9% đối với sách lớp 6.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi