Thứ hai, 05 Tháng 4 2021 09:41

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) Việt Nam đã tăng lên 53,6 điểm trong tháng 3 so với 51,6 điểm trong tháng 2, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ.

 

Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng thành mức cao nhất trong 20 tháng.

Báo cáo PMI tháng 3 của Việt Nam vừa được hãng IHS Markit công bố ngày 1/4 cho biết, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng vào cuối quý 1. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng đáng kể dẫn đến việc làm và hoạt động mua hàng tăng mạnh hơn. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của 20 tháng.

IHS Markit cho rằng, trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện thành mức tốt nhất trong 27 tháng. Các dấu hiệu cải thiện nhu cầu khách hàng và thành công trong việc kiểm soát đại dịch virus corona 2019 (Covid-19) đã giúp hỗ trợ tăng số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng trong tháng 3.

Theo báo cáo của IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp và với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2019. Trong một số trường hợp, khách hàng đã tăng quy mô đơn hàng trong tháng. Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu quốc tế đã cải thiện, từ đó số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.

Trong khi đó, sản xuất tăng nhanh hơn tháng 2, với tốc độ tăng đạt mức cao của 20 tháng. Sản lượng tăng ở cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát, với lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng dẫn đầu.

Số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản xuất tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 3.

Việc làm tăng ở mức khiêm tốn, nhưng là một mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2019. Tương tự như vậy, hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng thành mức cao nhất trong 20 tháng.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, ở khía cạnh kém tích cực hơn, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và làm tăng áp lực lạm phát. Chi phí đầu vào tăng nhanh nhất trong ba năm và giá cả đầu ra tăng nhanh nhất trong bốn năm.

Những khó khăn trong việc mua nguyên vật liệu vẫn hiện hữu, khi mà thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài. Những vấn đề liên quan đến nhập khẩu hàng, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu container chở hàng đã góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng. Tuy nhiên, năng lực của người bán hàng đã giảm thành mức thấp nhất trong bốn tháng và các công ty đã có thể tăng tồn kho hàng mua.

Tồn kho thành phẩm cũng tăng do nguyên nhân kết hợp của sản lượng tăng và những vấn đề liên quan đến chuyển hàng.

Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, thường do đại dịch Covid-19, khiến chi phí đầu vào tăng mạnh nhanh hơn trong tháng 3. Đặc biệt, giá thép tăng và chi phí nhập các mặt hàng từ Trung Quốc cũng tăng. Mức tăng lần này là nhanh nhất trong ba năm.

Trong khi đó, giá cả đầu ra đã tăng mạnh trong hơn bốn năm khi các nhà sản xuất đã chuyển bớt gánh nặng chi phí sang cho khách hàng.

Theo IHS Markit, hy vọng về đại dịch Covid-19sẽ kết thúc và nhu cầu khách hàng sẽ tăng đã hỗ trợ cải thiện niềm tin vào triển vọng sản xuất trong 12 tháng tới. Hơn nữa, tâm lý kinh doanh đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2019 với gần một nửa số người trả lời khảo sát lạc quan về triển vọng sản lượng.

Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit Andrew Harker cho biết, lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt một nấc thang tăng trưởng mới trong tháng 3 khi sản lượng tăng với tốc độ nhanh nhất trong 20 tháng. Dựa trên mối liên hệ lịch sử giữa PMI và các số liệu chính thức, số liệu mới nhất cho thấy sản lượng ngành sản xuất có thể bảo đảm cho tỷ lệ tăng trưởng hai con số tính theo năm trong quý 1.

"Điểm đặc biệt khích lệ trong bộ số liệu lần này là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng khi nhu cầu trên thị trường quốc tế có dấu hiệu cải thiện. Những xu hướng này hy vọng sẽ tiếp tục và đại dịch Covid-19sẽ kết thúc đã hỗ trợ cho niềm tin kinh doanh tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2019. Do đó, lĩnh vực sản xuất có cơ sở để tiếp tục khởi sắc trong quý 2", Giám đốc Kinh tế IHS Markit nhận xét.

PMI ngành sản xuất Việt Nam của IHS Markit được IHS Markit thu thập từ phần trả lời cho các câu hỏi hàng tháng gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Những câu trả lời khảo sát được thu thập ở nửa cuối của mỗi tháng và cho biết chiều hướng thay đổi so với tháng trước. Các chỉ số có giá trị từ 0 đến 100, với một kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước, và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể. Chỉ số toàn phần là Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers’ Index™ (PMI).

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi