Các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão, lũ quét, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác có sức tàn phá khốc liệt hơn.
Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng ở Mỹ thêm trầm trọng - Ảnh: AP |
Các nhà khoa học cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão, lũ quét, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên khác có sức tàn phá khốc liệt hơn. Tại Mỹ, chuyên gia khí tượng của Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) Adam Smith cho biết thiệt hại về người và vật chất đang tăng nhanh tại nước này do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo ông, các thảm họa gây thiệt hại tổng cộng 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 tại Mỹ, tương đương với các mức thiệt hại cao nhất được ghi nhận vào các năm 2011 và 2017. Một báo cáo sơ bộ cho thấy 13 thảm họa thiên nhiên xảy ra trong năm qua đã khiến ít nhất 188 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế lên tới 46,6 tỷ USD.
Ngoài ra, theo báo cáo của C3S, nếu như năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thì năm 2020 lại đi vào lịch sử là năm nóng kỷ lục mà không có tác động của hiện tượng El Nino và La Nina. Xu hướng nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên khi thế giới ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. Riêng trong năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,25 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đề ra mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C và có thể đạt mức tăng 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh của C3S cũng cho thấy trong năm qua, một số khu vực đã trải qua nền nhiệt cao vượt qua các mức nhiệt trung bình toàn cầu.
Tháng 8 vừa qua, mức nhiệt ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave, bang California (Mỹ), đã có thời điểm lên đến 54,4 độ C. Sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường, châu Âu đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2 độ C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5 độ C so với năm 2019 vốn từng được xem là năm nóng nhất tại "lục địa già".
Bắc Cực và Bắc Siberia có mức tăng nhiệt cao nhất với nhiệt độ tại một số khu vực trung bình cao hơn 6 độ C so với nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua. Khu vực này cũng trải qua một mùa cháy rừng bất thường, khi các vụ cháy rừng ở khu vực nằm ở Vòng Bắc cực trong năm 2020 đã giải phóng 244 triệu tấn CO2, tăng hơn 33% so với năm 2019. Biển băng tại Bắc Cực tiếp tục tan chảy, trong khi lượng băng hồi phục tại khu vực này liên tục ghi nhận mức thấp nhất trong tháng 7 và tháng 10/2020.
Các nhà khoa học cho biết báo cáo trên càng làm nổi bật sự cấp thiết phải nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính trên khắp thế giới nhằm đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định: "Năm 2020 nổi bật với sự nóng lên đặc biệt ở Bắc Cực và số lượng cơn bão nhiệt đới kỷ lục ở Bắc Đại Tây Dương... Đây cũng là lời nhắc nhở khác về sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải để ngăn chặn các tác động xấu đến khí hậu trong tương lai".
Tin mới
- Chiều 18/1, Hà Nội và Đà Nẵng có 2 ca mắc mới COVID-19 - 19/01/2021 02:54
- Giảm nửa giá vé tàu Tết Tân Sửu cho trẻ em - 19/01/2021 02:48
- Lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch - 19/01/2021 02:47
- Miền Bắc rét đậm, rét hại, vùng núi cao khả năng có băng giá, mưa tuyết - 18/01/2021 07:04
- Miền Trung mưa rào, miền Bắc hửng nắng - 12/01/2021 01:20
Các tin khác
- Bắc Bộ chuyển rét đậm, rét hại, khả năng mưa tuyết, băng giá vùng núi cao - 06/01/2021 10:03
- Không khí lạnh cường độ mạnh di chuyển xuống phía nam - 05/01/2021 05:42
- Bắc Bộ liên tục rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm - 03/01/2021 23:20
- 10 dấu ấn nổi bật năm 2020 của ngành BHXH Việt Nam - 02/01/2021 04:22
- Việt Nam phát hiện chủng vi rút SARS- CoV-2 biến thể của Anh trên BN1435 - 02/01/2021 04:19