Thứ năm, 31 Tháng 12 2020 15:20

Năm 2020, Việt Nam không chỉ vượt qua những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và bão, mưa lũ, thiên tai lịch sử ở miền Trung, mà còn đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020 do Báo Điện tử Chính phủ bình chọn.

 

1. Tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

 

Đến ngày 29/10/2020, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

 

Với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp theo đúng tiến độ, kế hoạch, mục đích, yêu cầu đề ra; để lại nhiều dấu ấn, tình cảm sâu sắc, sự phấn khởi và tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến ngày 29/10/2020, 100% đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội. Công tác nhân sự đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp uỷ các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương.

 

2. Chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác

 

Trong năm 2020, Việt Nam trải qua 2 làn sóng dịch COVID-19. Ngay khi dịch mới bùng phát và chưa vào Việt Nam, chúng ta đã có cảnh báo sớm. Cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đoàn kết, đồng lòng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhanh chóng kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Trong cả hai đợt dịch ở Việt Nam, chỉ có hơn 30 người tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân có bệnh nền nặng và người cao tuổi. Chúng ta cũng đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.

Cộng đồng quốc tế đánh giá: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.

Đáng chú ý, ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và tác động mạnh mẽ tới các hoạt động kinh tế-xã hội và người dân, Chính phủ đã triển khai, chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hàng chục triệu người được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Chúng ta thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân và đón khoảng 45.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước an toàn, thể hiện đạo lý đùm bọc, chia sẻ trong khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta.

 

3. Duy trì tăng trưởng dương, đưa quy mô GDP vào nhóm ASEAN-4, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới

 

Dù chịu tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới

 

Năm 2020, Chính phủ đã đề ra "mục tiêu kép", thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đối với người dân và doanh nghiệp, duy trì và phục hồi nền kinh tế.

Kết quả, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929-1933 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh so với năm 2019 (với mức tăng 34% trong 11 tháng đầu năm 2020), đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. 

 

4. Khắc phục thiên tai, bão lũ lịch sử, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân

 

Khắc phục thiên tai, bão lũ lịch sử, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân

 

Trong khi bệnh dịch còn rình rập, tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” với cường độ chưa từng có xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành đã cố gắng vượt bậc, nhất là các địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp “4 tại chỗ” phòng chống, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiệt hại.

Một lần nữa, Việt Nam lại ngời sáng tình đồng bào-đồng chí-đồng đội nhân văn, sẻ chia, đùm bọc, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân; bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men; khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị hư hỏng, ngập lụt; sớm phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng.

 

5. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính có bước đột phá mới, hướng tới Chính phủ số

 

Kết quả cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua giúp tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công và khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm

 

Nhiệm kỳ 2016-2020 và năm 2020, việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử được xác định là then chốt, là khâu đột phá chiến lược và được triển khai mạnh mẽ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm xây dựng "Chính phủ kiến tạo”, một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, chính sách tốt, thể chế tốt để nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Trong một thời gian ngắn, đã khai trương và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống E-cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định tầm nhìn tới năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, kết quả cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công và khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm.

 

6. Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

 

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn để phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực.

 

Năm 2020, với vai trò Chủ tịch của Việt Nam, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong tháng 11 đã thông qua số lượng văn kiện kỷ lục (hơn 80 văn kiện).

Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung của Hội đồng Bảo an; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.

Việt Nam đã nâng tầm tham gia các hoạt động đa phương, đó là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương, phục vụ cho lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Một minh chứng là ngày 27/12, lần đầu tiên thế giới tổ chức "Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh" theo Nghị quyết được Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 07/12 theo đề xuất của Việt Nam, và được rất nhiều nước hưởng ứng tham gia đồng sáng kiến. 

 

7. Phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện 

 

Trong năm 2020, chúng ta vẫn tiếp tục đặt trọng tâm cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam

 

Trong năm 2020, chúng ta vẫn tiếp tục đặt trọng tâm cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ người có công; các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở được quan tâm. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020.

Đã có 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 9 bác sĩ và 28 giường bệnh trên một vạn dân. Năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh và quản lý y tế; triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đáng chú ý, trong phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, phát triển và sử dụng chính con người Việt Nam thử nghiệm lâm sàng để tiến tới sản xuất vaccine tại Việt Nam.

 

8. Giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong nhiều năm; khởi công nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng

 

Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; tỉ lệ giải ngân đạt cao nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 

Năm 2020, vốn đầu tư công được tập trung cho những dự án cấp bách, trọng điểm, có tính kết nối, lan toả cao; giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt; tỉ lệ giải ngân đạt cao nhất trong nhiều năm gần đây, khoảng 70%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc – Nam (khởi công 6/11 đoạn tuyến cao tốc phía Đông trong năm 2020), sân bay quốc tế Long Thành (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn I và chuẩn bị khởi công), các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị… Phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông.

 

9. Phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA và ký kết Hiệp định RCEP

 

Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025

 

Ngày 8/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA – hai văn kiện được coi như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Việc đưa EVFTA vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam-EU trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, sáng 15/11, dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Khuôn khổ hợp tác của RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025; đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.

 

10. Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam được cải thiện

 

Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập và đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á

 

Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập và đứng thứ ba khu vực Đông Nam 

Còn theo Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Vốn Con người (Human Capital Index-HCI) của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 trong vòng 10 năm 2010-2020, cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập (0,56), cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các vấn đề về sức khỏe và giáo dục. 

Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam cũng liên tục được cải thiệnVới chỉ số HDI là 0,704 năm 2019 (công bố ngày 16/12/2020), Việt Nam xếp thứ 117 trong tổng số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam vào nhóm có HDI ở mức cao. Từ năm 1990-2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 của Việt Nam, theo công bố từ Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy của Australia, xếp thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng một bậc so với năm ngoái. Thứ hạng của Việt Nam được cải thiện nhờ tăng 3 bậc về ảnh hưởng ngoại giao và tăng 3 bậc về mạng lưới quốc phòng./.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi