Sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) chính thức được ký kết ngày 15-11, trong cuộc trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư của nước ngoài đặc biệt từ những nước trong RCEP.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC đánh giá đây là một hiệp định hiện đại và 'chất lượng cao', nhằm giải quyết các hàng rào phi thuế quan cho hoạt động thương mại trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và sự đi lại của người dân.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhờ cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, Hiệp định RCEP là cơ hội rất thuận lợi cho các nước và doanh nghiệp khi đi vào thực thi. Còn hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama khẳng định Hiệp định RCEP sẽ tạo ra các cơ hội mới cho các nhà sản xuất và người nông dân Nhật Bản và “sẽ đóng góp lớn cho sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu (của Nhật Bản) sang châu Á”. Ông cho biết 15 quốc gia sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục trong nước và đưa hiệp định này đi vào hiệu lực “càng sớm, càng tốt”.
Về phía Việt Nam, Hiệp định RCEP có thể giúp các công ty trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng vùng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thu nhập dự kiến gia tăng đến năm 2030 của các thành viên Hiệp định RCEP. Nguồn: HSBC |
Các thông tin chi tiết về RCEP hiện vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, theo tuyên bố của ASEAN, thỏa thuận sẽ loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hóa giao dịch trong khu vực. Trong khi đó, các thuế quan và hạn chế khác sẽ được tự do hóa trong vòng 20 năm tới, bao gồm trên 90% thương mại trong khối (mặc dù vẫn duy trì một số loại thuế đối với các sản phẩm nhạy cảm, ví dụ như thịt bò và gạo nhập khẩu vào Nhật Bản).
Khi RCEP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Úc và New Zealand; 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc; nhưng vẫn giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng, gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò nhằm bảo vệ nông dân trong nước.
Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, RCEP thiết lập một khuôn khổ quy tắc xuất xứ chung, cho phép những nhà xuất khẩu trong các nền kinh tế RCEP sử dụng đầu vào có nguồn gốc từ các thành viên khác để đủ điều kiện tiếp cận ưu đãi khi giao dịch trong khối. Quan trọng là, điều này sẽ cung cấp một nền tảng cho tự do hóa hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Tại Hội nghị Cấp cao RCEP, ngày 15-11, các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với năm quốc gia mà ASEAN có hiệp định tự do thương mại, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand đã thông qua hiệp định này. RCEP có quy mô thị trường 2,2 tỉ người tiêu dùng và tổng GDP 26.200 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, tạo nên một khối tự do thương mại lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. |
Chia sẻ góc nhìn về RCEP, người đứng đầu Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, cho rằng Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. "Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á”, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ trong một thông cáo phát hành ngày 16-11.
Theo HSBC, các nước ASEAN và năm quốc gia trên đã cố gắng đưa ra một thỏa thuận từ năm cuối năm 2012 nhưng thời gian đầu đàm phán khá chậm chạp. “Tuy nhiên, từ năm 2017 đã có một động lực mới để giúp các nước đạt được thỏa thuận này, ít nhất như là một đối trọng so với các xung lực bảo hộ đang gia tăng ở những khu vực khác trong nền kinh tế toàn cầu. Với một thỏa thuận đã có, các bước tiếp sẽ là các phê chuẩn của mỗi quốc gia, sau đó hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào giữa năm tới”, đại diện HSBC chia sẻ.
Theo đại diện HSBC, RCEP là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược hội nhập. Hiệp định gần nhất với nhiều lợi ích là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn vào tháng 6 năm nay. “Việt Nam đã và đang rất trung thành với nguyên tắc mở cửa và đã có trong tay 12 hiệp định tự do thương mại, cả song phương và đa phương”, HSBC nhận định.
Tin mới
- Hỗ trợ phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - 07/12/2020 04:00
- Không khí lạnh tăng cường, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C - 04/12/2020 03:58
- Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" - 28/11/2020 13:37
- Quy định mới về tuổi nghỉ hưu - 24/11/2020 05:14
- Đà Nẵng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nhiều nơi - 21/11/2020 03:59
Các tin khác
- Bão số 13 gây nhiều thiệt hại tại các địa phương - 16/11/2020 03:26
- Bão giật cấp 17, gây sóng cao 11m, biển động dữ dội - 14/11/2020 02:58
- RCEP - FTA lớn nhất thế giới chuẩn bị được ký kết tại Hà Nội - 14/11/2020 02:54
- Công khai báo cáo ngân sách năm 2021 dành cho công dân - 13/11/2020 02:31
- Bão Vamco giật cấp 15, đi vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế - 13/11/2020 02:29