Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, ngân sách nhà nước có thể chi hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động tự do. Tuy nhiên, nếu các tỉnh sẵn nguồn lực thì có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Nguồn lực có hạn
Chiều ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng về tình hình triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao Đà Nẵng đã ban hành các quyết định và thực hiện chi trả cho các nhóm đối tượng rất nhanh chóng.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn của các đơn vị vì thời gian gấp rút của gói an sinh 62.000 tỷ đồng, Bộ không thể tập huấn mà chỉ hướng dẫn qua qua văn bản.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh làm việc với UBND TP Đà Nẵng về tình hình triển khai gói an sinh 62.000 tỷ đồng
Thứ trưởng cho biết, mong muốn của Nhà nước là hỗ trợ được nhiều người nhưng nếu cho tất cả các đối tượng thì nguồn lực không đủ.
Vì vậy, nguyên tắc cơ bản là hỗ trợ người mất việc, giảm sâu thu nhập. Các địa phương bám sát vào đây thì sẽ phân biệt được các đối tượng khác nhau. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về sự công khai minh bạch, tránh bị lợi dụng và xử lý nghiêm hành vi trục lợi khi triển khai gói hỗ trợ này.
“Cả nước có hơn 55 triệu lao động, trong đó có khoảng 30 triệu lao động tự do. Nếu chi cho cả 30 triệu lao động thì ngân sách sẽ rất khó khăn. Cho nên chúng tôi phải tính toán để chi hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động tự do", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, tuỳ vào từng địa phương, nếu sẵn nguồn lực trong khả năng thì có thể mở rộng các nhóm hỗ trợ.
Liên quan đến kiến nghị của Đà Nẵng về khó khăn trong việc rà soát các đối tượng để tiến hành chi trả hỗ trợ, Thứ tướng Lê Văn Thanh cho biết sẽ kiểm tra lại để có sự nhất quán.
Ông Thanh cũng cho biết, những ngày qua rất nhiều người dân gọi điện về Tổng đài 111 để hỏi về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
“Ngay từ ngày đầu tiên, Tổng đài 111 đã nhận được khoảng 700 câu hỏi rồi. Bây giờ cứ mỗi ngày có gần 10.000 cuộc gọi điện. Đến nay là gần 100.000 cuộc gọi”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.
Địa phương lúng túng, cần thêm hướng dẫn cụ thể
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Hồng Hải, trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê cũng cho biết, khi triển khai quận đã gặp rất nhiều lúng túng.
“Theo quy định, nhóm lao động bốc vác được hỗ trợ. Vậy, bốc vác ở đây cụ thể là những ai? Xe thồ họ cũng làm công việc bốc vác, xe ba gác cũng bốc vác, xe tải cũng bốc vác… Hay nhóm chăm sóc sức khỏe, cụ thể là những người làm công việc gì? Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Hải kiến nghị.
Ông Hải cũng lấy ví dụ một hộ kinh doanh bán bún ở nhà, thường có 4-5 người trong nhà làm công việc này. Vậy bây giờ tính một người hay cả 5 người? Thực tế đặt ra rất bí vì theo quy định là hỗ trợ theo khẩu chứ không phải hộ.
Cũng tại cuộc làm việc, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lưu ý các địa phương cần phải giải thích rõ ràng với những đối tượng nào không được hỗ trợ theo quy định, không để một số người hiểu sai chủ trương này do việc giải thích thiếu trách nhiệm của cán bộ.
Những người không thuộc diện hỗ trợ theo quy định thì các địa phương kêu gọi cộng đồng cùng hỗ trợ.
Tin mới
- Tiếp sức cho ‘mũi đột phá’ nguồn lực trong nước - 22/05/2020 08:41
- Thời tiết nắng nóng khủng khiếp ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - 22/05/2020 03:55
- Sáng 22/5, đã 36 ngày không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, số người cách ly chống dịch tăng lên - 22/05/2020 03:32
- Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV - 21/05/2020 01:11
- Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn tiềm ẩn, người dân không lơ là phòng bệnh - 19/05/2020 03:12
Các tin khác
- 29 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép" - 15/05/2020 02:51
- 11 đối tượng được tuyển thẳng vào các trường đại học năm 2020 - 14/05/2020 11:49
- Quỹ BHXH được quản lý chặt chẽ, theo hướng bền vững - 13/05/2020 11:51
- Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12 - 11/05/2020 03:00
- Bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ - 09/05/2020 23:42