Vì dịch Covid-19, kỳ thi THPT năm 2020 chủ yếu tập trung cho việc xét tốt nghiệp. Nhiều trường đại học phải tìm phương án thay thế để chủ động tuyển sinh.
Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng tập trung cho mục đích xét tốt nghiệp, đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Các trường đại học tự chủ tuyển sinh.
Theo các chuyên gia và đại diện một số trường, sự thay đổi này sẽ đặt ra thách thức lớn, đồng thời là cơ hội đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh, đào tạo.
Kỳ thi THPT 2020 có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các trường đại học sẽ tự chủ về tuyển sinh. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Thách thức và cơ hội
Dù vẫn chưa có thông tin cụ thể về hình thức, số môn thi và nội dung của kỳ thi tốt nghiệp THPT, PGS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng sự thay đổi mục đích cơ bản của kỳ thi là thách thức lớn với nhiều trường đại học trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, các trường đại học chủ động tổ chức hoặc tham gia sử dụng kết quả thi riêng sẽ "vững vàng" trước sự thay đổi này.
"Chắc chắn những trường này sẽ có sự điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh. Theo tôi, các trường sẽ tăng chỉ tiêu tuyển bằng kỳ thi riêng lên mức tối đa. Cùng đó, họ giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc có thể không sử dụng", ông Nghĩa dự đoán.
Sự thay đổi của kỳ thi THPT vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để trường đại học nhìn nhận lại công tác tuyển sinh. Điều này đẩy nhanh quá trình tự chủ.
Đồng ý với quan điểm này, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng đây là lúc các trường đại học thể hiện năng lực tự chủ, chọn phương thức phù hợp, lấy chất lượng làm đầu, giữ uy tín, thương hiệu. Nếu không, trường sẽ tự đào thải.
"Các trường sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm. Ngoài các phương thức xét tuyển như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ, đánh giá năng lực, đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, nên chăng, cùng liên kết với nhau để tuyển sinh", TS Lý ý kiến.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng Bộ GD&ĐT đã có tiến trình để đổi mới kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2021. Kỳ thi năm 2020 chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT sẽ đẩy nhanh lộ trình này.
“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tôi nghĩ việc này phù hợp mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, gia đình”, ông Thắng nhận xét.
Nơi chủ động, nơi lo lắng
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực đã được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong 3 năm qua, trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng hưởng ngành giáo dục, một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội đã cân nhắc phương án tổ chức thi riêng.
Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đang trong thời gian hoàn thiện phương thức tổ chức, hình thức, nội dung bài thi.
Ông Huỳnh Quyết Thắng cho biết kỳ thi riêng nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh. Nhà trường đã chuẩn bị từ lâu, công phu và tốn kém. Để tránh trường hợp số lượng lớn thí sinh về Hà Nội tham gia thi, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ tổ chức với quy mô khoảng 10.000 thí sinh.
Các trường sẽ có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, tuyển nhiều đợt trong năm... Trường đại học cùng khối ngành, nhóm ngành, nên chăng, cùng liên kết với nhau để tuyển sinh.
TS Trần Đình Lý
Khi được hỏi liệu các trường khác có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi của ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh không, ông Thắng cho rằng họ có thể nhưng vì kỳ thi có quy mô nhỏ. Sau khi trường tuyển sinh xong, số lượng còn lại không nhiều, rất khó để chia sẻ.
“Kỳ thi năm nay mang tính thử nghiệm. Sang năm, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các trường khác để tổ chức tuyển sinh phù hợp xu hướng quốc tế, ngành nghề đào tạo”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng thông tin.
Trước khi có quyết định chính thức về kỳ thi THPT quốc gia 2020, ĐH Ngoại thương có phương án phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng trong trường hợp Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, cho biết trường đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD&ĐT. Nếu kỳ thi của bộ không phục vụ tuyển sinh, trường sẽ quyết định tổ chức thi riêng.
Tuy nhiên, với các trường không có chuẩn bị từ trước, việc tổ chức kỳ thi riêng trong thời gian này là khó khả quan. Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, chuẩn bị cho tổ chức thi riêng trong khoảng 4 tháng rất khó.
"Hiện tại, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định nhưng chẳng may trong những tháng tới có diễn biến mới, phương án tổ chức thi riêng gần như không thể thực hiện. Việc chuẩn bị đề thi, sắp xếp coi thi, chấm thi cần thời gian chuẩn bị chu đáo", ông Xuân nói.
Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay trong trường hợp không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức thi riêng, trường sẽ bàn bạc với ĐH Y Dược TP.HCM xem xét phương án cùng tổ chức.
"Thực sự tôi rất lo lắng và căng thẳng. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thể phân hóa, phân chia năng lực học sinh. Do đó, rất khó để các trường sử dụng kết quả để tuyển sinh. Đầu vào chất lượng là tiền đề rất quan trọng, nhất là khối ngành sức khỏe. Nhà trường phải tính toán rất kỹ", PGS Xuân nói.
Tin mới
- Sàng lọc giám sát các trường hợp mua thuốc có triệu chứng ho, sốt, khó thở - 22/04/2020 11:33
- Ngày thứ 7 không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, 3 bệnh nhân nặng tiến triển - 22/04/2020 11:28
- Đề xuất kéo dài giãn cách xã hội với Hà Nội đến 30/4 - 22/04/2020 10:00
- Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc - 22/04/2020 03:24
- Sáng 22/4 không ghi nhận thêm ca Covid-19 mới, 52 người đang điều trị - 22/04/2020 00:42
Các tin khác
- Phó Thủ tướng chủ trì họp về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - 22/04/2020 00:34
- Hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp - 21/04/2020 12:07
- Chiều 21/4: Bước sang ngày thứ 6 Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 - 21/04/2020 12:05
- Cuộc chiến chống ‘giặc Covid-19’ từ sức mạnh y tế cơ sở - 21/04/2020 11:55
- Doanh nghiệp kiến nghị 'gói kích thích cần nhất' - 21/04/2020 09:04